Chưa xác định đúng nguồn gốc đất
Ông Đào Xuân Toán phản ánh đến báoThương hiệu và Công luận về nguồn gốc đất của gia đình như sau: Năm 1980 gia đình ông đã được cấp đất định cư tại thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, trên đất, xây dựng 1 căn nhà cấp 4, có giấy tờ xác định việc cắm đất cho gia đình, đứng tên là ông Đào Xuân Kiểm (Bố đẻ ông Toán).
Ngày 16/11/2016 có văn bản cho ông Đào Xuân Toán được thừa kế mảnh đất trên. Trong quá trình xây dựng, tôn tạo và sử dụng đất từ đó đến nay, không có sự tranh chấp hay bất cứ vi phạm nào về lấn chiếm đất đai.
Năm 1992, gia đình xây thêm 1 căn nhà 4 tầng sát cạnh căn nhà cấp 4. Hiện nay, trong quá trình nâng cấp cải tạo mở rộng quốc lộ 6, đoạn qua địa bàn thị trấn Chúc Sơn, gia đình có 1 phần đất nằm trong diện quy hoạch cần giải tỏa…
Ông Toán chỉ cho PV ví trí sẽ bị cắt để làm dự án, mất vào 2/3 nhà
Cũng theo một số hộ dân ở khu Bắc Sơn, nguồn gốc đất đang bị giải tỏa trước thuộc xã Ngọc Sơn, nay thuộc thị trấn Chúc Sơn. Đất ở khu vực này là đất giãn dân, đất ở lâu dài, được cấp trước năm 1993, có nhiều gia đình cấp trước năm 1980. Ngày 12/12/2011, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5757/QĐ-UBND, phê duyệt Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang tuyến quốc lộ 6, đoạn Km 19 + 920 đến Km 22 + 220 qua khu Bắc Sơn, thị trấn Chúc Sơn. Giao UBND huyện Chương Mỹ làm chủ đầu tư, nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội.
Ngày 22/10/2014, Ban Chỉ đạo GPMB TP Hà Nội có Tờ trình số 931/TTr-BCĐ, về việc xem xét giải quyết vướng mắc khi thực hiện GPMB Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang Quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Theo đó, “…UBND huyện Chương Mỹ đề nghị, được hướng dẫn vận dụng chính sách GPMB cho các hộ dân khi áp dụng hành lang giao thông, theo Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Quyết định số 237 QĐ/UBND ngày 15/5/1993 của UBND tỉnh Hà Tây (cũ).
Liên ngành thống nhất, Nghị định số 203-HĐBT được ban hành từ ngày 21/12/1982, nhưng trên thực tế, trên địa bàn huyện Chương Mỹ chưa được triển khai cắm mốc. Quyết định số 237 QĐ/UBND của UBND tỉnh Hà Tây, về việc triển khai Nghị định số 203-HĐBT đã được ban hành theo thẩm quyền. Ngày 27/8/1995, Cục Quản lý đường bộ đã triển khai cắm mốc theo quy định. Do vậy, liên ngành đề nghị UBND TP cho phép UBND huyện Chương Mỹ lấy thời điểm cắm mốc, công khai và chỉ giới đường theo Quyết định số 237 QĐ/UBND của UBND tỉnh Hà Tây, để xem xét bồi thường cho các hộ dân. Việc bồi thường, hỗ trợ cụ thể cho các hộ dân được căn cứ vào nguồn gốc, thời điểm bắt đầu sử dụng, quá trình, hiện trạng sử dụng đất, thời điểm cắm mốc và chỉ giới theo Quyết định số 237 QĐ/UBND, để áp dụng theo quy định hiện hành”.
Ngày 4/11/2014, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 8533/UBND-TNMT, về việc giải quyết vướng mắc khi thực hiện công tác GPMB Dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6, huyện Chương Mỹ, có nội dung: “… Đồng ý với đề nghị của liên ngành tại Tờ trình số 391-TTr-BCĐ ngày 22/10/2014 của Ban chỉ đạo GPMB thành phố. Giao Ban Chỉ đạo GPMB thành phố có văn bản hướng dẫn UBND huyện Chương Mỹ tổ chức thực hiện theo đúng quy định”.
Đền bù GPMB đã đúng quy định?
Ngày 4/7/2017, một số hộ dân ở khu Bắc Sơn nhận được bản dự thảo phương án bồi thường của Ban GPMB huyện Chương Mỹ. Theo đó, đất của họ được cho là thuộc hành lang giao thông Quốc lộ 6, nên không được đền bù, còn lại một số hộ dân được đền bù GPMB theo kiểu… nửa vời.
Đơn cử như hộ gia đình ông Đào Xuân Toán Lúc ban đầu có ban GPMB có lên phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với số tiền là 1.831.704.659 đồng (một tỷ tám trăm ba mươi mốt triệu bảy trăm bốn mươi ngàn sau trăm năm mươi chin đồng); thông báo lần 2 lại là 1.642.983.815 đồng (một tỷ sáu trăm bốn mươi hai triệu chín trăm tám mươi ba ngàn tám trăm mười lăm đồng; Lần 3 với lý do chỉ thu hồi 2/3 công trình nhà ở nên gia đình chỉ được bồi thường 998.000.000 đồng (chín trăm chin mươi tám triệu đồng). Gia đình ông Toán đã rất bức xức bởi cho rằng “lấy đi 2/3 thì cũng mất nửa nhà thì gia đình tôi làm sao ở được nữa bởi làm phá hủy kết cấu ban đầu của ngôi nhà thì lấy gì đảm bảo an toàn cho gia đình chúng tôi”
Cùng bức xúc như nhà ông Toán, nhiều người dân đã có đơn khiếu nại gửi UBND thị trấn Chúc Sơn, UBND huyện, Ban GPMB huyện Chương Mỹ, nhưng đến nay những lá đơn gửi đến các cấp chính quyền vẫn… bặt vô âm tín, gây ra nỗi lo lắng băn khoăn cho tất cả các hộ dân có phần đất và nhà ở nằm trên khu vực giải tỏa.
Nhiều ý kiến cho rằng “bồi thường không đúng đối tượng, đất canh tác thì bồi thường 80% và cho xây lùi vào bên trong, nhà mấy tầng trên đất nông nghiệp. Đất chúng tôi đóng thuế đầy đủ, đúng với diện tích được giao, vậy sao giờ họ nói đất hành lang không được đền bù, nếu đất hành lang sao họ vẫn thu tiền thuế đất của chúng tôi?”
Ông Hoàng Văn Cương cho rằng “Đất ở nhà tôi có giấy tờ rõ ràng, mốc giới cụ thể, sống ổn định 30 năm nay, không tranh chấp với ai, vậy mà trong phương án bồi thường hỗ trợ lại ghi rằng gia đình tôi lấn chiếm, chiếm dụng, vi phạm luật đất đai...”
“Chúng tôi, luôn ủng hộ đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước tuy nhiên cũng cần chính quyền địa phương, nắm rõ tình hình thực tế để hỗ trợ, bồi thường đúng, đủ cho chúng tôi”. Ông Cương chia sẻ
Loay hoay, Lúng túng…!
Ngày 28/9/2017, Ban chỉ đạo GPMB thành phố lại ra Văn bản số 709/BCĐ-NV1, về việc xem xét giải quyết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện GPMB Dự án Cải tạo, nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang 2,3km Quốc lộ 6 (đoạn qua thị trấn Chúc Sơn), với nội dung: “Trong phạm vi GPMB để thực hiện dự án, có một số hộ gia đình được UBND xã Ngọc Sơn cấp đất ở, nhưng lại nằm trong chỉ giới hành lang bảo vệ đường bộ; có trường hợp cấp đất trước thời điểm Nghị định số 203-HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng, nhưng lại trước thời điểm ban hành Quyết định số 237/QĐ-UB ngày 15/5/1993 của UBND tỉnh Hà Tây, quy định mặt cắt ngang tuyến đường bộ thuộc tỉnh Hà Tây, cụ thể đối với Quốc lộ 6 đoạn qua thị trấn Chúc Sơn là 35m (tính từ tim đường mỗi bên sẽ là 17,5m). Có trường hợp cấp đất trước những năm 1981, trước thời điểm ban hành Nghị định số 203-HĐBT. Ngoài ra, có những trường hợp được UBND huyện Chương Mỹ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Tiếp đó, liên ngành thống nhất đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết các trường hợp vướng mắc tại dự án. Cũng tại văn bản này, liên ngành sẽ báo cáo UBND thành phố giao Sở Tài Nguyên và Môi trường theo trách nhiệm và thẩm quyền quản lý nhà nước, có văn bản xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn cụ thể, bảo đảm tiến độ dự án.
Việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng và chỉnh trang tuyến Quốc lộ 6, là cần thiết và cấp bách. Song, việc lấy đất của các hộ dân làm Dự án, UBND huyện Chương Mỹ và TP Hà Nội cần xem xét quyền lợi hợp pháp của các hộ dân.
Báo Thương hiệu và Công luận đề nghị UBND huyện Chương Mỹ, UBND TP Hà Nội và các sở, ngành cần rà soát lại các văn bản, quyết định liên quan, công mình để nhân dân Chúc Sơn yên tâm ổn định đời sống, bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của người dân.
Đ.H