Vào chiều nay, thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết, từ đêm nay và ngày mai (17/2), rãnh áp thấp phía bắc nối với áp thấp nóng phía tây tiếp tục bị nén xuống phía nam bởi một khối không khí lạnh tăng cường, lệch đông. Sau đó, rãnh áp thấp này có xu hướng suy yếu và mờ dần. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có xu hướng hạ trục xuống phía nam. Cho nên, cao điểm nắng nóng xảy ra ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh) và TP.HCM với nhiệt độ cao nhất dao động ở mức 36 – 37 độ C, thời gian đỉnh điểm là từ 12h – 15h. Sau đó từ ngày 18/2, nắng nóng sẽ thu hẹp về cả phạm vi lẫn cường độ và chỉ còn xảy ra cục bộ.

Nắng nóng gay gắt có thể gây bỏng da ở các tỉnh Đông Nam Bộ - Hình 1

Thông tin các chỉ số tia cực tím

Tuy nhiên, trong 2 ngày nắng nóng cao điểm, chỉ số bức xạ UV sẽ ở mức 8 - 10. Chỉ số bức xạ tia cực tím UV đo được ở các khu vực này đạt mức 10 đã vượt ngưỡng an toàn, gây nguy hiểm cho người dân.

Theo tiêu chuẩn quốc tế về cường độ tia cực tím, chỉ số UV được tính từ 1 đến 11+, hiển thị từ thấp đến cao theo các màu xanh lục, vàng, cam, đỏ, tím và có kèm theo các khuyến cáo.

Do vậy, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng hộ phù hợp vì việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời sẽ gây bỏng nắng, tổn thương mắt như đục thủy tinh thể, lão hóa da, ức chế miễn dịch và ung thư da. 

Được biết, mức bức xạ từ 8 – 10 có màu đỏ và nguy cơ gây hại từ tia cực tím rất cao, đặc biệt có thể gây bỏng đối với da nếu đứng dưới nắng trong thời gian khoảng 25 phút. Bên cạnh đó, người dân nên hạn chế ra đường vào cao điểm nắng nóng, cần bôi kem chống nắng, mặc áo sơ - mi, kính râm và đội mũ khi ra đường.

Cao Huyền - Phương Thảo