NATO tan nát, vì phương Tây suy tàn các nước khác thì sao? - Hình 1

Donald Trump và ông Tập Cận Bình

Trong bài "Trúng đạn nhưng không chìm", tờ Courrier International nhận xét: "Giữa những lời dao to búa lớn của Donald Trump, vị thế mờ nhạt của châu Âu, làn sóng bài ngoại dâng cao, thái độ của tổng thống Nga Vladimir Putin và tham vọng toàn cầu của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thế giới đã mất phương hướng. Phương Tây trúng thương nhưng không ngã quỵ".

Trung Quốc sẽ tiếp tục đuổi theo Mỹ nhưng nước Mỹ, cho dù gặp giai đoạn suy thoái, vẫn là siêu cường không so sánh được. Mỹ tiếp tục phát triển không ngừng với thành phần dân số trẻ trung. Trái lại, châu Âu mới đáng lo vì từ 2015 đi vào thời kỳ giảm dân số và không còn hợp ý với Mỹ. Chính tình đoàn kết trong khối phương Tây bị suy tàn, Courrier International nhận định.

Nhận định trên đây được một số cây viết Mỹ, Nhật, Nga đào sâu. Nhìn từ Washington, trong bài "Trump tháo gỡ trật tự thế giới", The New York Times đưa giả thuyết: Donald Trump có ý đồ đánh phá liên minh phương Tây.

Từ các cuộc thượng đỉnh G7 ở Canada, NATO tại Brussel và sắp tới đây là hội nghị Mỹ-Nga tại Phần Lan…. Chủ nhân Nhà Trắng không bỏ lỡ một cơ hội nào để làm lung lay nền móng của khối phương Tây. Vấn đề là không ai biết ông Trump tính gì, có chiến lược cao siêu hay chỉ vì vô ý thức? Nhưng hành động từ hơn một năm nay của Donald Trump không khác gì một kế hoạch mật để đập tan nát NATO.

Bằng chứng là tại Québec (Canada), Donald Trump kêu gọi G7 mời Nga trở lại cũng như biện minh cho việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Cây bút David Leonhardt nêu một giả thuyết thứ hai: Có thể ông Trump thích làm ngược lại những tổng thống tiền nhiệm.

Nhiều tờ báo Pháp khuyên trong mọi trường hợp, các nhà lãnh đạo phương Tây nhất là Justin Trudeau của Canada, tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải noi gương Angela Merkel không nên dễ dãi với Donald Trump. Ngay từ đầu thủ tướng Đức đã tỏ ra cứng rắn với Donald Trump mà không cần đổ dầu vào lửa.

Nhìn từ Châu Á, tạp chí Nhật Nikkei Asian Review cảnh báo: Nếu Tây phương suy yếu, Bắc Kinh sẽ áp đặt luật chơi quốc tế và xuất khẩu mô hình chính trị, kinh tế Trung Quốc ra khắp thế giới. Ông Tập Cận Bình đã nói rõ như thế tại đại hội đảng cộng sản Trung Quốc hồi tháng 3.

Nhà chính trị học Mỹ Ian Bremmer, tác giả bài phân tích "Trung Quốc lên hàng lãnh đạo hành tinh" nhấn mạnh vào chính sách "nước Mỹ trước tiên" của Donald Trump tạo ra một khoảng trống và Trung Quốc đã sẵn sàng thay thế.

Hệ quả này một phần là do sai lầm của giới lãnh đạo phương Tây. Trong nhiều thập niên, họ nghĩ rằng hãy giúp cho Trung Quốc phát triển, một tầng lớp trung lưu sẽ vươn lên sẽ buộc chế độ cởi mở hơn.

Nhưng ngày nay, người dân ở các nước phương Tây lên án chính sách toàn cầu hóa tác hại đến mức sống và đòi hỏi chính quyền phải đổi mới, điều mà giới chính trị không có giải pháp khả thi. Các chế độ phương Tây bị đe dọa vì dân chúng càng ngày càng mất niềm tin vào các đảng truyền thống và độ chính xác của thông tin.

Ngược lại, chính quyền Trung Quốc có thể tự khen đã góp phần làm đất nước giàu lên và phát huy hình ảnh Trung Quốc ra khắp thế giới. Tình trạng tham nhũng, ô nhiễm... vẫn tồn tại nhưng cuộc sống hằng ngày đã được cải thiện, đó là lý do các công dân Trung Quốc tin tưởng vào lãnh đạo của họ.

Hệ quả là Bắc Kinh áp đặt các nguyên tắc quốc tế và ngày càng ít bị chống đối. Trước hết, Trung Quốc là nước duy nhất tiến hành một chiến lược toàn cầu về thương mại và đầu tư .

Với chiến lược "Con đường tơ lụa mới", với quyết tâm cho vay không đặt điều kiện chính trị tiên quyết, Bắc Kinh giành được hàng loạt bạn hàng ở các nước đang phát triển. Chính quyền các quốc gia châu Á, châu Mỹ La tinh, châu Phi và Trung Đông ngày càng có xu hướng đi theo Bắc Kinh.

Trong cuộc đấu công nghệ cao, thông minh nhân tạo, Trung Quốc cũng ở thế mạnh hơn. Trong khi Mỹ để cho sáng kiến tư nhân tự do chủ động thì chính quyền Trung Quốc chỉ đạo các tập đoàn công nghiệp. Ảnh hưởng áp đảo cho phép Trung Quốc buộc các nước đối tác nhỏ tuân thủ chuẩn mực các công ty Trung Quốc.

Giới chuyên gia nhận định, sức thu hút của Trung Quốc có giới hạn và phải cần nhiều chục năm mới đủ sức cạnh tranh với Mỹ nhưng ở cấp vùng, Bắc Kinh là cường quốc quân sự thách thức Mỹ với những yêu sách chủ quyền vô lối, bất chấp luật pháp quốc tế. Nhưng với thái độ thoái lui của Donald Trump, Trung Quốc có thể lắp vào khoảng trống ảnh hưởng. Đó chính là bất trắc lớn cho địa chính trị hiện nay.

Như để minh họa cho tình trạng mất phương hướng của thế giới, nhìn từ Nam Phi, nhà báo Kalim Rajad cho rằng thế nổi trội của nền tư tưởng phương Tây Thiên Chúa giáo đang "gây bất bình cho giới trí thức ở các nước kém phát triển". Theo ông, tư tưởng của chủ tịch Trung Quốc ảnh hưởng truyền thống Khổng giáo hy sinh quyền lợi cá nhân cho hài hòa xã hội cũng như tinh thần dân tộc chủ nghĩa của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có những điểm tương đồng.

Nhìn từ Nga, Timofei Bordatchev, giám đốc viện nghiên cứu châu Âu ở Matxcơva, trên báo mạng Profil, dự báo một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng bắt đầu: Chiến tranh lạnh thứ hai đã khai mào từ trước năm 2017 khi Nga can thiệp vào Syria. Nhưng theo tác giả, diễn biến mới từ sau năm 2014 là không còn những vụ tấn công đơn phương, trừ hai vụ ngoại lệ phương Tây không kích Syria năm 2017 và 2018 nhưng cũng thận trọng không để Nga trả đũa. Cuộc chiến tranh lạnh mới này nằm trong khuôn khổ thay đổi trật tự thế giới theo một thế tương quan lực lượng quân bình.

Theo báo Pháp, ngày nay chiến tranh nóng rất khó xảy ra vì bên nào cũng có vũ khí mạnh. Tuy nhiên, nếu dựa trên tuyên bố của tổng thống Donald Trump thì chiến lược của Mỹ đặt trên cơ sở bảo vệ nguồn lợi duy nhất của Mỹ. Thế giới ngày nay quay trở lại kịch bản lịch sử cũ: Tranh đấu không vì lý tưởng mà chỉ vì phân chia tài nguyên. Cuộc chiến này sẽ kéo dài.

Về đối ngoại, sức mạnh của Trung Quốc làm thế giới lo ngại nhưng về đối nội, hàng loạt dự án chết non. Courrier International dành cho báo mạng Hồng Kông The Initium đăng tải nhiều trang và hình ảnh một thành phố mới trong dự án khu đôi thị 2.000 km2 ở Hùng An, Hà Bắc bị bỏ hoang vì không người tới ở.

Mọi công trình xây cất "thủ đô của giấc mơ Trung Hoa" bị ngừng lại vì phải chờ quyết định đại hội đảng. Đại hội qua rồi nhưng lệnh tái khởi động không thấy đâu, kể cả trong diễn văn của ông Tập. Một trong những nhà đầu tư bị phá sản, tâm sự: Lúc này tôi mới hiểu ý nghĩa của cụm từ "dự án của thế kỷ".

Theo VietTimes