Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trước phản ánh của nhiều doanh nghiệp khó khăn tiếp cận gói tín dụng lãi suất thấp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các nhà băng đơn giản hóa thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Ngân hàng cần xử lý các chi nhánh, cán bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, chậm trễ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không nới lỏng điều kiện cho vay nhằm đảm bảo an toàn tín dụng và hoạt động lành mạnh của ngành ngân hàng.

Theo số liệu từ Vụ tín dụng, ngành ngân hàng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi cho gần 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới hơn 511.000 tỷ đồng. Phần lớn gói tín dụng này được giải ngân cho các lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và cần vốn để tăng trưởng mạnh sau khi dịch kết thúc như lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp, thuỷ sản, các dịch vụ y tế, lĩnh vực điện... Các doanh nghiệp gặp khó khăn hoàn toàn có thể vay vốn với điều kiện chứng minh được khả năng trả nợ. 

Theo các chuyên gia, mục đích gói tín dụng ưu đãi là nhằm hỗ trợ về mặt giảm lãi suất, không đồng nghĩa việc phải cứu doanh nghiệp khó khăn bằng cách cho vay kể cả khi họ không chứng minh được khả năng trả nợ.

Viện trưởng Viện phát triển kinh tế TP. HCM - Trần Hoàng Ngân cho rằng, ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh và rất sợ không thu hồi được vốn, phát sinh nợ xấu nên họ cần phải đảm bảo được hài hoà lợi ích giữa người cho vay và người đi vay. Ông cho hay, nếu ngân hàng vỡ trận còn nguy kịch gấp nhiều lần, tương tự như những gì chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 khi cục nợ xấu để lại ảnh hưởng trong suốt thời gian dài.

Nguồn vốn của gói hỗ trợ tín dụng là do các ngân hàng thương mại bỏ ra, không phải đến từ ngân sách Nhà nước. Vì vậy, mặc dù trên tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 song việc giảm lãi suất của các ngân hàng là sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp và các ngân hàng cũng phải dựa trên năng lực vốn thực tế của mình để quyết định nguồn vay.

PV