Theo đó, nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, hoạt động xuất nhập khẩu, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, hội nhập quốc tế, xuất xứ hàng hóa, kịp thời tháo gỡ, giải quyết và kiến nghị cấp trên giải quyết đối với trường hợp vượt thẩm quyền để đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong thời gian tới trên địa bàn thành phố, Sở Công Thương đã tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiêp lĩnh vực công thương, chuyên đề "Hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu".
Hội nghị tập trung làm rõ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động, liên quan đến giải quyết các TTHC, các vấn đề khó khăn, vướng mắc đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…, tập trung ở 4 vấn đề lớn: Xuất xứ hàng hóa; phòng vệ thương mại; xúc tiến thương mại; chính sách thuế.
Quá trình hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng của Việt Nam, đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ trong suốt những năm qua. Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương. Đến nay, chúng ta đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hiện tại: 15 hiệp định đã có hiệu lực, 1 hiệp định đã chính thức ký kết chờ hiệu lực và 3 hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Nền kinh tế vĩ mô phát triển vững chắc, ổn định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương cho biết:
"Tại Hải Phòng, 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, thời cơ, nhưng một số chỉ tiêu cơ bản về lĩnh vực công thương của thành phố vẫn đạt được những kết quả nhất định.
Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 20,65 tỷ USD, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 66,61% kế hoạch năm. Tổng kim ngạch nhập khẩu: ước đạt 19,99 tỷ USD, giảm 0,11% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 66,64% kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng: ước đạt 146.558,7 tỷ đồng, tăng 13,63% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 74,83% kế hoạch năm. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP): tăng 12,47% so với năm 2022.
Kết quả trên, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như cơ quan quản lý nhà nước.
Tại “Hội nghị đối thoại giải quyết kiến nghị doanh nghiệp trong lĩnh vực hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu”, tôi mong muốn được lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu. Từ đó, trực tiếp tháo gỡ, giải quyết, hoặc kiến nghị cấp trên giải quyết đối với trường hợp vượt thẩm quyền nhằm góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong thời gian tới".
Ông Lê Minh Sơn khẳng định, ngành công thương “Luôn lắng nghe, chia sẻ, đồng hành và có những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp”.
Quỳnh Nga