Phát triển nhanh chóng

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phỏ Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết:

“Trong vài năm gần đây, ngành công nghiệp làm đẹp nói chung và ngành mỹ phẩm nói riêng được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng nhanh. Báo cáo của Global Welness Institute (Tổ chức Giám sát Kinh tế sức khỏe toàn cầu) cho thấy, giai đoạn 2015-2017 ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe toàn cầu tăng trưởng 12,8%, từ 3.700 tỷ lên thị trường 4.200 tỷ USD (6,4%/năm). Mức chi tiêu khoảng 4.200 tỷ USD, lớn hơn một nửa so với tổng chi y tế là 7.300 tỷ USD”.

Ông Phòng khẳng định, dù khởi đầu chậm hơn so với các quốc gia khác, nhưng ngành mỹ phẩm Việt Nam đã có bước phát triển vô cùng mạnh mẽ. Thống kê cho thấy, năm 2016 doanh thu từ mỹ phẩm đạt trên 1,2 tỷ USD, năm 2018 con số này đã là 2,3 tỷ USD. Với mức tăng trưởng mỗi năm lên đến trên 20% cùng dân số xấp xỉ 100 triệu người, chắc chắn doanh thu trong lĩnh vực mỹ phẩm sẽ còn tiến xa hơn nữa.

Châu Á là thị trường làm đẹp thuộc top tăng trưởng nhanh chỉ sau châu Âu. Riêng tại Việt Nam, những năm gần đây những nhãn hàng mỹ phẩm, thẩm mỹ viện, spa ồ ạt mọc lên và ý thức làm đẹp cũng gia tăng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên và trung niên, những người có thu nhập trung bình khá. Theo dự báo, thị trường làm đẹp nói chung và mỹ phẩm nói riêng sẽ tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Có được kết quả đó là nhờ vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình mới, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường như hiện nay. Chính sự phát triển kinh tế, đời sống người dân được cải thiện đã giúp các nhu cầu của người dân được nâng lên.

Nếu như trước đây, nói đến làm đẹp nhiều người sẽ nghĩ đến những người phụ nữ có thu nhập cao, thì nay đã trở nên phổ biến, cho cả nam giới và nữ giới. Điều đó được minh chứng khi các dịch vụ làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ phù hợp với mọi đối tượng, từ vài trăm ngàn đồng đến vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. 

Quang cảnh Diễn đànQuang cảnh Diễn đàn

“Niềm tin” còn rất thấp

Từ thực tế kinh doanh, bà Đặng Thị Xuân Hương - Phó Chủ tịch thường trực Hội Đào tạo và Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam khẳng định chính sự phát triển quá nhanh của dịch vụ thẩm mỹ kéo theo hàng loạt vấn đề đặt ra.

“Đó là tình trạng nhà nhà mở cơ sở thẩm mỹ, mở spa. Điều đáng nói, các cơ sở này chỉ được cấp phép làm đẹp không xâm lấn, nhưng họ lại quảng cáo và thực hiện nhiều dịch vụ như nâng mũi, nâng ngực, phẫu thuật thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ chui…”, bà Hương nói.

Các cơ sở này không có y bác sĩ mà chỉ có kỹ thuật viên đào tạo sơ sài trong vài ba tháng. Còn khách hàng chủ yếu là phụ nữ lại tin theo quảng cáo, sẵn sàng thực hiện kỹ thuật xâm lấn dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và không ít trường hợp đã phải đến các Bệnh viện chuyên khoa để cấp cứu điều trị. Thậm chí, có trường hợp đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Theo bà Hương nguyên nhân của tình trạng này một phần cũng do chính quyền địa phương buông lỏng công tác quản lý, còn các cơ sở làm đẹp thì vì lợi nhuận mà bất chấp hậu quả, trong khi người dân thì không thể kiểm tra được cơ sở đó có được cấp phép thực hiện các dịch vụ xâm lấn hay không.

Theo bà Nguyễn Thị Bình - Tổng giám đốc CTCP Giáo dục Đào tạo &Thương mại Quốc tế, bản thân các doanh nghiệp làm nghề thẩm mỹ, làm đẹp cần thật sự chú trọng vào cơ sở vật chất như phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ theo đúng quy định của Bộ Y tế để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

"Hiện nay vẫn còn rất nhiều cơ sở trôi nổi không giấy phép còn tồn tại, làm ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của người tiêu dùng cũng như uy tín của các doanh nghiệp làm thẩm mỹ, mỹ phẩm tại Việt Nam", bà đánh giá.

Theo các chuyên gia, hiện nay đa phần người tiêu dung Việt Nam sử dụng mỹ phẩm nhập ngoại. Điều này là minh chứng cho việc niềm tin đối với hàng mỹ phẩm của Việt Nam còn rất thấp. Do đó, để ngành mỹ phẩm và làm đẹp Việt Nam phát triển, điều quan trọng nhất là lấy được niềm tin từ chính khách hàng Việt, và đây chính là thị trường vô cùng tiềm năng để phát triển.

Trúc Mai