Người nhà bệnh nhân cho biết, tối 14/6, sau khi uống thuốc xong, ông T. có biểu hiện nuốt nghẹn, khó thở, không nói được. Mặc dù đã thử các biện pháp tại nhà uống nước, nuốt cơm và đưa ông đến Cơ sở y tế gần nhà để chữa trị nhưng tình trạng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm mà càng ngày ông càng cảm thấy đau tức ngực và khó thở hơn.
Đến ngày 16/6, lo sợ trước sức khỏe của ông nên người nhà liền đưa ông đến Bệnh viện Quốc tế Vinh cấp cứu.
Tiến hành nội soi thực quản dạ dày, các bác sĩ phát hiện dị vật lớn, cứng nằm ở miệng thực quản không thể thực hiện lấy ra bằng nội soi ống mềm.
Chiếc răng giả được lấy ra từ thực quản cụ ông 81 tuổi
Kết quả chụp X-Quang cho thấy, dị vật nằm 1/3 trên của thực quản, tì đè 2/3 khí quản. Bệnh nhân có biểu hiện khó thở nhiều, huyết áp cao 180/100 mmHg.
Ngay sau đó, bệnh nhân được tiến hành nhập viện và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết trước khi nội soi cấp cứu lấy dị vật. Ca nội soi diễn ra 30 phút, dị vật lấy ra là hàm răng giả chiếm 1/3 thực quản, kích thước 0.5cmx3cm.
Hàm răng giả chiếm 1/3 thực quản, kích thước 0.5cmx3cm khiến cụ ông nuốt nghẹn, tức ngực, khó thở, không nói được
Bác sỹ CKI Hoàng Đức Huy - Trưởng khoa Liên chuyên khoa khuyến cáo: “Để hạn chế sự cố này xảy ra, thay vì sử dụng hàm tháo lắp, người dùng nên sử dụng các phương pháp trồng răng cố định như cầu răng sứ hoặc cấy ghép implant. Khi lỡ nuốt răng giả không nên cố móc họng hay nuốt để trôi dị vật mà cần phải đến ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Trong quá trình ăn uống cần phải thận trọng để tránh trường hợp hóc dị vật gây ảnh hưởng đến tiêu hóa và đôi khi nguy hiểm đến tính mạng”.
Sau khi loại bỏ “hàm răng giả” khỏi thực quản, sức khỏe ông P.B.T. đã ổn định và tổn thương vùng thực quản hồi phục và ăn uống trở lại bình thường.
Kim Chung - Lê Quyết