Sau khi nhận được tin báo từ người dân về việc khai thác đất trái phép đem bán cho nhà máy gạch, PV Thương hiệu & Công luận đã có mặt tại hiện trường đập khe Cấy (thuộc xã Nghi Lâm, Nghi Lộc, Nghệ An).

Nghệ An:

Hàng chục lượt xe vào ra để "ăn đất" tại đập khe Cấy

Chiều 27/5, có mặt tại đây, PV chứng kiến máy múc đào bới, hàng chục lượt xe tải vào ra tấp nập để "ăn đất" và chuyển thẳng về Nhà máy gạch Tuynel Đô Lương (đóng tại xã Nhân Sơn, Đô Lương, Nghệ An). 

Tại thời điểm PV có mặt, hàng chục xe tải đang chờ sẵn để "ăn đất", gồm các xe 37C-205.46, 37C-249.03, 37C-168.64, 37V-0404, 37C-107.47, 37C-157.01, 37C-176.43, 37C-065.11, 37C-119.92, 37C-276.24, 37C-023.74, 37C.166.50, 37C205.07, 36C-023.12, 37C-142.53. Các xe tải này, đều được gắn biển với các logo "Hoàng Anh", "Cảnh Hoa", "Đại An", "Tuynel Đô Lương"...

Nghệ An:

Mặc dù chưa thực hiện các thủ tục trước khi tiến hành cải tạo đập, nhưng dư luận cho rằng, UBND xã Nghi Lâm đã "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp khai thác đất trái phép

Qua quan sát, hàng chục chuyến xe tải sau khi nhận đất đầy thùng bắt đầu di chuyển ra ngoài. Tại đây, một người đàn ông ngồi sẵn để phát phiếu xuất kho được ghi rõ xuất cho công ty, địa chỉ, biển số xe...

Sau khi nhận phiếu xuất kho, những xe tải này sẽ chạy ra đường N5, di chuyển quãng đường khoảng trên 10 km để đến đổ đất cho Nhà máy gạch Tuynel Đô Lương.

Nghệ An:

Hoạt động khai thác đất trái phép để bán cho nhà máy gạch là vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách  

Nhìn bằng mắt thường có thể thấy, hầu hết những xe tải này đều được "ăn đất" đầy ắp, thành thùng cao hơn đăng kiểm, được che đậy sơ sài. Hàng loạt xe tải ra vào khiến cho bụi bay mù trời cả một lối đi.

Điều đặc biệt, mặc dù có hàng chục lượt xe tải chạy liên tục trên đường N5, nhưng không hề thấy có sự can thiệp nào hoặc vắng bóng từ phía lực lượng cảnh sát giao thông?

Trước thực trang khai thác đất chở vào nhà máy gạch, PV đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho ông Phan Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Nghi Lâm để nắm rõ hoạt động này cũng như thông tin khách quan hơn, nhưng không được.  

Nghệ An:

Sau đó, PV đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc thì được biết: "Huyện đã yêu cầu xã làm các thủ tục trước khi cải tạo đập, nhưng họ vẫn chưa làm, cái này do lỗi quản lý của xã".

Ông Dũng cũng khẳng định: Sẽ cho đình chỉ hoạt động khai thác đất trái phép bán cho nhà máy gạch này! 

Hoạt động khai thác đất trái phép diễn ra công khai là vậy, nhưng PV không thấy sự có mặt của phía cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát. Trong khi UBND tỉnh Nghệ An đang ra sức chỉ đạo, quán triệt các huyện, các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm vấn nạn khai thác đất trái phép đem bán kiếm lợi bất chính, thì ở huyện Nghi Lộc lại diễn ra thực trạng này?

Nghệ An:

Bụi bay mù trời cả một lối đi

Với việc khai thác đất khi chưa có chủ trương, phê duyệt dự án cải tạo lòng đập của cơ quan có thẩm quyền, nhưng UBND xã nghi Lâm đã "bật đèn xanh" cho doanh nghiệp khai thác đất trái phép ra khỏi địa bàn để bán vào nhà máy gạch là vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách.  

Nghệ An:

Các xe tải sau khi "ăn đất" sẽ nhận phiếu xuất kho trước khi di chuyển về nhà máy gạch Tuynel Đô Lương

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có hàng chục nhà máy gạch nung đang hoạt động. Tuy nhiên, có rất nhiều đơn vị vi phạm các quy định của Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường. Ngoài nguyên nhân các doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, thì dư luận cho rằng đang có sự buông lỏng về mặt quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng liên quan. 

Có hay không, cơ quan chức năng "bảo kê" cho việc khai thác tài nguyên đất trái phép?

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An nhanh chóng vào cuộc làm rõ, kiên quyết xử lý những sai phạm (nếu có) để tránh thất thoát nguồn tài nguyên và nguồn thu ngân sách nhà nước.

Nhóm PV