Trong năm 2017 Nghệ An đã thành lập 2.154 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành được thành lập từ tỉnh đến xã. Trong đó có 2.429 cơ sở vi phạm bị xử lý với tổng số tiền phạt gần 1,327 tỷ đồng.
Theo đánh giá công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả, thịt, thủy sản; người sản xuất, kinh doanh vẫn đặt yếu tố lợi nhuận lên trước.
Kiểm tra, xử lý vi phạm VSATTP
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay được triển khai từ ngày 15/4 đến 15/5. Mục đích tạo nên đợt cao điểm về đảm bảo an toàn thực phẩm, phát động chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, từ đó, phòng ngừa ô nhiễm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộc độc thực phẩm tập thể và các bệnh lây truyền do sử dụng thực phẩm không an toàn.
Phát biểu tại lễ phát động, Ông Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: yêu cầu: Để công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thực sự đem lại hiệu quả, các cấp, ngành, đặc biệt là cấp huyện, xã phải nâng cao vai trò, trách nhiệm về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý; Phát huy hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, huy động cả cộng đồng cùng tham gia giám sát, phát hiện, tố cáo các cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm bẩn.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng phải tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo quy định an toàn thực phẩm; Đồng thời tôn vinh, quảng bá, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, nhất là sản phẩm truyền thống mang đặc trưng vùng miền.
Mạnh Hùng