Có mặt tại lò gạch thủ công này, phóng viên chứng kiến trên một nền đất bằng phẳng rộng nhiều héc ta, những chồng gạch ước tính hàng vạn viên được nhân công xếp ngay ngắn, chờ đưa vào lò nung.
Lò gạch thủ công tại xóm 7 (xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Đàn) bất chấp lệnh cấm vẫn ngang nhiên hoạt động
Tại đây, một tốp nhân công chừng 6 người đang cắt đất sét đưa vào khuôn để ép gạch. Một lò gạch thủ công cở lớn chứa khoảng 4-5 vạn viên đang đỏ lửa. Trên nóc lò, những khe hở dưới mái phên che mưa nắng vẫn đang nhả khói. Bên phải lò, nhiều gốc, thân cây gỗ lớn không rõ nguồn gốc được đưa về đây tập kết dùng để đốt lò nung gạch. Sát bên cạnh, một lò vòng cải tiến cũng đang được chất đầy củi, chuẩn bị đỏ lửa.
Một người dân sinh sống gần đó cho biết, khi lò gạch này đỏ lửa, họ thường xuyên phải ngửi khói bụi, mùi than đá từ lò gạch này.
Củi chất đống bên lò để chờ nung gạch
Điều đáng nói, lò gạch thủ công này hoạt động công khai cách khu dân cư không xa khiến dư luận không khỏi nghi ngờ có hay không một sự “nương tay” của chính quyền địa phương?
Ông Phan Văn Dũng, chủ lò gạch thủ công giải thích rằng "chưa đóng cửa lò là do đã xin chính quyền làm vài hôm nữa để tận dụng hết nguyên liệu rồi nghỉ”.
Thế nhưng, qua số lượng gạch chưa nung đang tập kết và đống đất sét khổng lồ tại lò gạch này, phóng viên nhẩm tính phải mất một thời gian dài, ông Dũng mới có thể tận dụng hết nguồn nguyên liệu!.
Chính quyền xã Nghĩa Khánh không biết lò gạch thủ công này đang hoạt động?
Ông Lê Viết Xường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh cho rằng, hiện tất cả các lò gạch thủ công trên địa bàn đã chấm dứt hoạt động và bị tháo dỡ. Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập thực trạng lò gạch thủ công của ông Phan Văn Dũng tại xóm 7, xã Nghĩa Khánh vẫn hoạt động bình thường, ông Xường cho biết: “Lò đó phía xã và phòng Kinh tế - Hạ tầng của huyện đã có công văn đình chỉ rồi chắc do xa trung tâm xã, ít người, có khả năng giờ thời tiết khô hanh nên họ lợi dụng, lén lút hoạt động thôi?”.
Trước đó, vào ngày 28/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 567/QĐ-TTg cũng như nhiều Chỉ thị, Thông tư của trung ương về việc xóa bỏ lò gạch thủ công trên phạm vi cả nước. Tại Nghệ An, UBND tỉnh cũng đã ban hành chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 1/2/2013 về việc thanh tra, xử lý các cơ sở sản xuất gạch ngói đất sét nung thủ công và tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu không nung trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, hao tốn tài nguyên. Tại mục C, điểm 1 nói rõ:“Hướng dẫn, chỉ đạo cấp huyện rà soát, xác định lộ trình, khế hoạch xóa bỏ lò nung gạch thủ công cụ thể từng huyện và tổ chức thẩm tra xem xét, có văn bản thỏa thuận trước khi UBND cấp huyện phê duyệt, yêu cầu hoàn thành trước 31/6/2013”.
Trước các quyết định, chỉ thị trên, nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã vận động, tuyên truyền kể cả dùng biện pháp cưỡng chế để xóa bỏ các lò gạch thủ công. Tuy nhiên, một số chủ lò vẫn lén lút hoạt động bất chấp lệnh cấm. Tại Nghĩa Khánh, chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt hoặc cố tình “nương tay” để lò gạch thủ công tiếp tục nhả khói. Thực trạng này không những gây ô nhiễm môi trường, bất chấp lệnh cấm mà còn làm mất sự công bằng với những chủ lò gạch thủ công khác đã bị xóa bỏ.
Ngày 22/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1469/QĐ-TTg về lộ trình chấm dứt hoạt động các lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Theo Quyết định này, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu như sau: Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch; Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục. |
Lê Quyết