Trước đó, vào ngày 3/4, sau khi phát hiện một con lợn nái của gia đình nặng 175 kg chết đột ngột, anh Nguyễn Văn Hòa (xóm Long Minh, xã Minh Sơn, huyện Đô Lương) đã trình báo với chính quyền địa phương.
Nhận được tin báo, cán bộ thú y huyện Đô Lương đã có mặt và phát hiện con lợn chết có biểu hiện với dịch bệnh tả lợn châu Phi: Xuất huyết ngoài da, nhất là vùng vành tai, tiêu chảy lẫn táo bón.
Kết quả xét nghiệm trong ngày 4/4 cho thấy, mẫu xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Chiều cùng ngày, huyện Đô Lương đã tiêu hủy 2 con lợn nái, bao gồm con lợn đã chết và 1 con lợn cùng chuồng bị ốm với tổng trọng lượng 322 kg.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, con lợn nái của gia đình ông Hoà dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi (Ảnh BNA)
Ngay trong tối cùng ngày, xã Minh Sơn đã lập 2 chốt chặn tại xóm Long Minh để kiểm soát việc vận chuyển lợn, xe cộ ra vào vùng dịch.
Ông Nguyễn Quang Sơn - Cán bộ thú y xã Minh Sơn cho biết: "Toàn xã hiện có khoảng 1.600 con lợn, chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngay sau khi có dịch xảy ra trên địa bàn, chúng tôi đã lập 2 chốt kiểm dịch, bên cạnh đó, thông báo rộng rãi trên loa phát thanh của xóm, xã để người dân được biết và nâng cao tinh thần phòng chống dịch.
Đến thời điểm hiện tại, xã Minh Sơn đã được cấp 24 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và mua 5 tạ vôi để rắc các tuyến đường, các hộ chăn nuôi lợn.
Chiều 5/4, huyện Đô Lương đã tổ chức tiêu hủy số lượng lợn còn lại của trại nuôi nhà anh Hòa với tổng 5 con lợn nái và 21 con lợn con.
Ông Trần Ngọc Thuận - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Đầu giờ chiều 5/4, UBND huyện Đô Lương đã có văn bản công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Minh Sơn.
Như vậy, đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại các huyện Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Tân Kỳ và Đô Lương, với tổng cộng 5 ổ dịch, gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Hoàng Linh