Đảm bảo tính thống nhất

Tại Tọa đàm “Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới” do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng nay (18/10/2021), GS. Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học-Truyền máu Việt Nam cho rằng:

Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt để phòng chống dịch hiệu quả. Đáng chú ý, Nghị quyết này thay thế cho các Chỉ thị trước đó là 15,16, 19. Đây là một dấu mốc cho việc cả nước chuyển sang giai đoạn bình thường mới. 

Nghị quyết xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc. Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 cần phải thống nhất trong cả nước.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128 là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay: Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là hết sức phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nghị quyết đã đưa ra các biện pháp đáp ứng vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

 Nghị quyết đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương cũng căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nghị quyết cũng cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc về giao thông và hàng hóa, không gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.

Trong trường hợp tổ chức triển khai thực hiện hoặc trong trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn các biện pháp quy định trong Nghị quyết 128; hoặc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các hướng dẫn của các bộ, ngành các địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai thực hiện thì đề nghị các địa phương có đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể. Đồng thời gửi về Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, để báo cáo với Ban Chỉ đạo, với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch hiện nay.

Theo TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Nghị quyết 128 quy định 9 biện pháp cho 9 lĩnh vực khác nhau, áp dụng 4 cấp độ dịch cho DN, cơ sở, cơ quan, tổ chức và có 4 biện pháp áp dụng cùng 4 cấp độ dịch cho cá nhân. Lưu thông vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh thì cấp độ 1, 2, 3 đều được hoạt động bình thường, cấp độ 4 hoạt động với một số điều kiện. Hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm thì quy định rất chặt chẽ, bắt đầu từ cấp độ 1 là đã có điều kiện đi kèm rồi, còn đến cấp độ 4 thì phải dừng hoạt động. Vận tải hành khách công cộng hoạt động bình thường, từ cấp độ 2 đến 4 hoạt động có điều kiện hoặc ngừng hoạt động. Đây là những nguyên tắc bất di bất dịch, không thể thay đổi. 

TS. Lưu Bình Nhưỡng nêu:

“Trong quy định về tổ chức thực hiện, Chính phủ đã đề ra 28 vấn đề, trong đó quy định rất rõ các địa phương có 5 nhiệm vụ chính. Các địa phương phải căn cứ vào 5 quy định đã được giao để thực hiện một cách nghiêm túc, tất cả mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các địa phương phải xây dựng được chương trình, kịch bản riêng cho mình về phát triển kinh tế xã hội và tôi thấy TP. HCM là địa phương đầu tiên đề ra được kế hoạch phát triển kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Nghị quyết 128 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tất cả tình hình của các địa phương, ý kiến của địa phương, ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học và Ban Chỉ đạo quốc gia. Khi đã đặt ra 5 vấn đề cho các địa phương, địa phương phải tuân thủ, điều đó không có nghĩa là chúng ta buông lỏng những vấn đề đã đề ra trong 2 Nghị quyết 105 và 116 được ban hành cách nhau nửa tháng trong tháng 9/2021. Các địa phương trên cơ sở đó phải phân bổ, huy động nguồn lực cho y tế và cho phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội.

Trên cơ sở đó dự báo được tình hình, không được chủ quan. Khi mở cửa lại du lịch, trường học thì phải đánh giá được tình hình để đặt ra các tình huống, kịch bản cụ thể. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng dẫn, tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật để người dân có thể chủ động. Các địa phương phải tuân thủ, tiếp tục thực hiện các chiến lược vaccine theo quy định của Thủ tướng và của Bộ Y tế. Đồng thời, chủ động linh hoạt trong vấn đề thuốc chữa. Có 5 vấn đề của địa phương thì địa phương nhất nhất phải tuân thủ, đồng thời sáng tạo trong các phương án”. 

Nghị quyết 128 cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương
Nghị quyết 128 cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương (Ảnh minh họa)

 Phát huy tính sáng tạo 

Hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành tiêu chí phân loại cấp độ dịch, cho phép các địa phương điều chỉnh. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch.

Thứ nhất là tiêu chí số ca mắc mới, thứ hai là tỉ lệ người 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vaccine, thứ ba là bảo đảm khả năng thu dung điều trị các cơ sở khám chữa bệnh các tuyến. Khi đưa ra tiêu chí này, Bộ Y tế đã nghiên cứu kỹ các tiêu chí hướng dẫn của WHO tổng kết kinh nghiệm chống dịch gần 40 quốc gia, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, bảm đảm bao quát, chi tiết.

Trong quá trình nghiên cứu, Bộ Y tế đã xin ý kiến các địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước để tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương quyết định cho phù hợp. Thứ nhất, các địa phương không được tự ý điều chỉnh 3 tiêu chí cứng của Bộ Y tế, ngoài ra, các địa phương căn cứ vào Nghị quyết 128, Quyết định số 4800 tổ chức xây đựng kế hoạch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh với lộ trình cụ thể của địa phương, phù hợp với điều kiện chống dịch tại địa phương.

Thứ hai, thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly người nhập cảnh vào địa phương, người hoàn thành cách ly tập trung hay tại nhà ở nơi cư trú trở lại làm việc, phục vụ khôi phục sản xuất.

Thứ ba, đề nghị các tỉnh cập nhật thông tin dữ liệu căn cứ tình hình dịch, công bố cho người dân, tổ chức biết và thực hiện.

Thứ tư, các địa phương chỉ đạo chống dịch và phục hồi kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo bám sát thực tiễn, không chủ quan khi có dịch đi qua, bảo đảm thực hiện tốt 4 tại chỗ, chống dịch đúng quy định bảo đảm công khai minh bạch, chặt chẽ, chống tiêu cực tham nhũng. Cuối cùng, cần tăng cường kiểm tra đôn đốc cơ sở, chuẩn bị thích ứng nhanh khi diễn biến dịch bệnh thay đổi.

“Tùy mỗi thời điểm phòng chống dịch khác nhau, chúng ta đưa ra những giải pháp khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế. Chính vì thế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của các bộ, ban ngành được quy định trong Nghị quyết 128, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.

Sau khi ban hành các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của các bộ, ngành khác, trong trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương khả năng thực thi chưa kịp thời hoặc khó khăn, đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời về các cơ quan của Trung ương để các bộ, ngành có hướng dẫn kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn ngay cho các địa phương. Đồng thời, các địa phương tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế để chúng tôi tổng hợp, báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia, để tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, đây là Nghị quyết hiện được các cấp, các ngành và nhân dân đón nhận rất tích cực, vì vậy, tôi đề nghị một lần nữa các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Đảm bảo chuỗi cung ứng

Theo yêu cầu của Nghị quyết 128, Bộ GTVT rà soát, hướng dẫn hoạt động giao thông vận tải liên tỉnh, bảo đảm lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng sản xuất để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, tạo sự thống nhất trên toàn quốc.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, Nghị quyết 128 không chỉ khắc phục riêng lưu thông hàng hoá mà còn là quyết sách đúng đắn trong thời điểm hiện nay, phù hợp tính thích ứng linh hoạt, triển khai những giải pháp phù hợp cho tình hình mới. Ngành giao thông cũng thích ứng linh hoạt, có những giải pháp hết sức cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải. 

Trong quá trình lưu thông hàng hoá, không tránh khỏi một số tồn tại, bất cập. Đến thời điểm hiện nay, Nghị quyết 128 đã chỉ rất rõ và cố gắng khắc phục để phục hồi phát triển kinh tế, phòng chống dịch tốt. Một loạt chủ trương, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 128 là rất phù hợp.

Khi thực hiện Nghị quyết 128, Bộ GTVT đã rà soát lại và ban hành quy định mới phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp trong Nghị quyết 128, đặc biệt là phù hợp với những quy định mới của Bộ Y tế thể hiện ở Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch. 

“Quyết định 4800 là khung, phù hợp với tình hình hiện nay, còn vấn đề chi tiết, linh hoạt  từng địa phương thì các địa phương chủ động quyết định. Trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Y tế. Tinh thần là Bộ Y tế phải xử lý thật nhanh để các địa phương sớm ban hành, Bộ Y tế kiểm soát vấn đề đồng bộ về các quy định chung, để tránh địa phương tự ban hành mà không có sự kiểm soát, dễ dẫn đến chồng chéo”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói

Sau khi Nghị quyết 128 ra đời, Bộ GTVT cũng đã ban hành các quy định về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không, trên cơ sở Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành và xin ý kiến của Bộ Y tế. Đây là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải. Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận.

Một số nơi vận chuyển hàng hóa là các nguyên, vật liệu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời phải bảo đảm đưa hàng hóa sản xuất ra xuất khẩu hay phân phối cho thị trường trong nước được lưu thông an toàn. Bộ GTVT đã đưa ra kế hoạch trong 5 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy rất kịp thời, phù hợp. Trong quá trình thực hiện, Bộ GTVT luôn kiểm soát, điều chỉnh thích ứng với tình hình mới.

 Trần Nguyên (Ghi)