Địa điểm được người tiêu dùng “gọi tên” đầu tiên là cửa hàng “Ngọc Dương Mart” nằm ở mặt đường Cẩm La, xã Thanh Sơn, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Ngọc Dương Mart có một vị trí kinh doanh thuận lợi. Tuy địa chỉ là tuyến xã, nhưng đây lại là tuyến đường tiếp giáp thị trấn Núi Đối, cùng trục đường trung tâm hành chính của UBND huyện Kiến Thụy, khu vực này có mật độ dân cư đông đúc, có trường học và nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp của huyện nên việc buôn bán vì thế mà trở lên thuận lợi.
Ngọc Dương Mart được người tiêu dùng quân tâm bởi đây là nơi cung cấp nhiều loại mặt hàng thiết yếu dùng cho bữa ăn gia đình hằng ngày. Lời lẽ gắn với biển hiệu tại Ngọc Dương Mart làm nổi bật cho thương hiệu của mình để người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng hàng hóa: “Tiện ích- An toàn – Chất lượng”. Nhưng liệu hàng hóa ở đây có thật sự “chất lượng” và “an toàn” như lời quảng cáo hay không thì vẫn là câu hỏi cần lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh.
Qua quan sát thực tế tại Ngọc Dương Mart, PV của THCL thấy xuất hiện nhiều đồ dùng gia dụng, đồ chơi, thực phẩm, đồ ăn vặt,... có nhãn gốc 100% chữ nước ngoài nhưng không có dán kèm nhãn phụ tiếng Việt theo quy định, cụ thể: bánh, kẹo, xúc xích, trà sữa, nước trái cây, bánh ăn dặm, đồ ăn đóng hộp, mỹ phẩm, móc treo đồ...
Ngoài các sản phẩm do PV THCL ghi nhận về nhãn mác bao bì thì trên trang Facebook cá nhân của Ngọc Dương Mart cũng tự đăng tải rất nhiều hình ảnh về các loại thực phẩm, gia vị, đồ hải sản tươi sống như tôm, cá, thịt bò, mực, cá chỉ vàng, cá hồi cấp đông... “trắng thông tin” hoặc có nhãn chữ nước ngoài mà không nhìn thấy nhãn phụ tiếng Việt. Riêng cá hồi được chủ cửa hàng quảng cáo là nhập khẩu của Na Uy, theo quan sát hình ảnh, tất cả các khay cá hồi đều không có thông tin gì chứng minh về nguồn gốc thực phẩm này.
Không rõ các loại hải sản này đã được bảo quản trong bao lâu, hạn sử dụng đến ngày nào, xuất xứ, trọng lượng ra sao, cách sử dụng và bảo quản như nào, đơn vị, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm,... rất nhiều câu hỏi đặt ra về thông tin của sản phẩm khiến người tiêu dùng lo lắng liệu có an toàn khi sử dụng, lúng túng, khó khăn cho việc chọn lựa.
Rời điểm mua sắm Ngọc Dương Mart, PV tiếp tục đi xác minh theo phản ánh của bạn đọc ở cơ sở mang tên “Teen Love” có địa chỉ tại thôn Đại Lộc 1, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng.
Quả đúng như ý nghĩa cái tên của cửa hàng, khách hàng lui tới Teen Love chủ yếu là các bạn trẻ và học sinh. Lượt qua một số mặt hàng thời trang, PV thấy xuất hiện các nhãn hiệu được bảo trợ về sở hữu trí tuệ như: Puma, Adidas, Gucci, Fendi, Chanel gắn trên khá nhiều sản phẩm thời trang (áo, quần, túi xách, ví da, nước hoa, mũ, dép...) với giá bán chỉ từ vài chục nghìn đến hơn trăm nghìn đồng.
Ngoài các mặt hàng thời trang mang nhãn hiệu nổi tiếng có giá bán “học sinh” thì Teen Love cũng bày bán nhiều sản phẩm ăn vặt, mỹ phẩm, hóa phẩm, đồ lưu niệm có nhãn gốc 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ tiếng Việt.
Theo tìm hiểu, thương hiệu Teen Love hiện đang sở hữu hai cơ sở, cơ sở 1 có địa chỉ như trên, cơ sở 2 có địa chỉ tại số 261, Lý Thánh Tông, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Cơ sở 2 cũng đang kinh doanh các mặt hàng tương tự như cơ sở 1.
Qua theo dõi lịch sử Facebook của cửa hàng Teen Love, trên trang cá nhân đều đăng tải hình ảnh các mặt hàng mang nhãn hiệu được bảo hộ và các mặt hàng có nhãn gốc 100% chữ nước ngoài mà không có nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.
Để tránh đưa thông tin thiếu khách quan, PV đã mong muốn được làm việc với chủ các cơ sở trên nhằm xác minh nguồn gốc các sản phẩm qua hóa đơn, chứng từ, tuy nhiên đều bị các cơ sở từ chối cung cấp.
Việc các cơ sở kinh doanh không cung cấp đầy đủ thông tin trên sản phẩm cũng làm ảnh hưởng đến “Quyền của người tiêu dùng” được quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: Người tiêu dùng được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.
Tại điểm a, e, i khoản 5 Điều 5 Luật số 55/2010/QH12 của Quốc hội, Luật An toàn thực phẩm quy định những hành vi bị cấm đối với việc sản xuất, kinh doanh: Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; Thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng.
Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định mức xử phạt về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng áp dụng thêm một số hình phạt bổ sung tại khoản 6 Điều này.
Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa, những thông tin bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa. Cụ thể: đối với các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam thì nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt: (1) Tên hàng hóa; (2) tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; (3) xuất xứ hàng hóa, nếu không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; (4) các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định và quy định pháp luật liên quan.
Đối với hàng hóa nhập khẩu thì nhãn gốc bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan: Tên hàng hóa; xuất xứ hàng hóa (nếu không xác định được thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa); tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
Trường hợp trên nhãn gốc chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa. Sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt theo quy định trước khi đưa hàng hóa vào lưu thông tại thị thường Việt Nam.
Việc vi phạm về nhãn hàng hóa, theo quy định mới tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến trên 100 triệu đồng; trong một số trường hợp vi phạm cụ thể còn bị tịch thu hàng hóa có nhãn vi phạm có liên quan đến chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị, thuần phong mỹ tục, bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm …
Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, căn cứ vào Điều 11, 12 nghị định này có thể xử phạt hành chính lên đến 50 triệu đồng đối với đối tượng vi phạm.
Điều 192, Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 6/2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018 quy định về mức xử phạt vi phạm đối với việc sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sản xuất, buôn bán hàng giả với mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù hoặc Tội xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp với mức phạt cao nhất là 03 năm tù.
Được biết, hàng năm lưc lượng Quản lý thị trường Hải Phòng đều có các đợt đi kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn Hải Phòng về các quy định kinh doanh hàng hóa, thực hiện ký cam kết của các chủ của hàng về việc đảm bảo kinh doanh hàng hóa theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, các cơ sở trên góp mặt gần hai năm trên thị trường nhưng vẫn xẩy ra tình trạng hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng 100% chữ nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt, hàng có dấu hiệu làm giả nhãn hiệu bày bán.
Thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần được phổ biến đầy đủ kiến thức về các quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi của chính chủ của hàng, doanh nghiệp, tổ chức và người tiêu dùng, tránh tình trạng để xẩy ra vi phạm gây thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của cả người bán lẫn người mua. Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hải Phòng kiểm tra các cửa hàng nêu trên và xử lý theo quy định của pháp luật.
Kim Huệ