Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, giải ngân nguồn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài chậm, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện. Bởi, cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau, có những bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân cao, nhưng lại có nơi giải ngân thấp, thậm chí có địa phương chưa giải ngân được đồng nào.
Đáng chú ý, từ việc giải ngân chậm sẽ làm tăng chi phí, không tận dụng được ích lợi của dự án mà chúng ta vay ưu đãi. Tính trung bình, nếu dự án chậm trễ 2-3 năm sẽ làm tăng chi phí lên đến 50% do phát sinh thâm hụt tài chính.
Chuyên gia ADB cảnh báo: “Việc chậm giải ngân vốn ODA gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế, khiến Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; chi phí quản lý dự án tăng lên theo thời gian; các tranh chấp về hợp đồng với nhà thầu không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà còn uy tín của Việt Nam.”
Tương tự, “giải ngân chậm làm mất đi các cơ hội phát triển cho Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh nợ công đang tăng cao, để giữ được nợ công ở ngưỡng 65% GDP thì vấn đề giải ngân vốn ODA có ảnh hưởng không nhỏ”, chuyên gia ADB tại Việt Nam lưu ý.
Đây là những cảnh báo rất nghiêm trọng. Nó cho thấy, tính bình quân, một dự án ODA của Việt Nam sau 5 năm đã đắt gấp đối so với dự toán ban đầu. Hay nói cách khác, Việt Nam đã mất đi một con đường, một cây cầu có trị giá đúng bằng con đường, cây cầu đó nếu xây dựng chậm tiến độ mất 5 năm.
Cái giá của nguồn vốn ODA tuy ưu đãi nhưng giá rất “chat” nếu chúng ta sử dụng không hiệu quả. Vậy ai là người trả giá thật sự cho cho cái giá của sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn ODA, nếu không phải những người đóng thuế?
Có thể nói, với nhu cầu tăng tốc kinh tế giai đoạn này, có thể thấy các nguồn vốn rẻ - trong đó có ODA vẫn là lựa chọn tốt cho phát triển. ODA sẽ là “bánh”, hay là “bẫy” của nền kinh tế trong trung hạn, phụ thuộc vào cách nhìn nhận trong đàm phán, ký kết hợp đồng vay vốn, cách sử dụng nguồn vốn này ra sao
Để chấn chỉnh “căn bệnh” chậm giải ngân vốn ODA này, tại Công điện số 307/CĐ-TTg, ngày 08/04/2022, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương giải ngân chậm phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, làm rõ trách nhiệm, đề ra giải pháp phù hợp phân bổ và giải ngân trong thời gian tới; rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra chậm trễ giải ngân vốn ODA năm 2022.
Do đó, các bộ ngành, địa phương phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu. Nghiêm túc rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp phù hợp phân bổ, giải ngân. Đồng thời phối hợp với các nhà tài trợ lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án.
Chỉ đạo của Chính phủ đã rõ, việc còn lại là sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, ngành, để việc giải ngân vốn ODA đạt kết quả tích cực trong thời gian tới.
Q.N (t/h)