Cũng theo ông Minh, hiện nay chi cục Thuế quận 1 (Cục Thuế TP. HCM) đã gửi quyết định cưỡng chế qua thư bảo đảm thì ngày tiếp theo các ngân hàng mới nhận được và thực hiện.
Không thực hiện quyết định xử phạt, Nguyễn Kim bị cưỡng chế tài khoản
Trước đó, qua thanh tra các hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân, điện máy Nguyễn Kim đã bị Cục thuế truy thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) với số tiền hơn 104 tỷ đồng, phạt hơn 19 tỷ đồng và số tiền chậm nộp hơn 24 tỷ đồng. Tổng số tiền Nguyễn Kim phải nộp ngân sách là gần 150 tỷ đồng.
Hơn chục năm qua, năm nào nhân viên cũng ủy quyền cho công ty quyết toán thuế đầy đủ. Thế nhưng, điện máy Nguyễn Kim đã “lách” thuế TNCN bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để trốn thuế.
Chẳng hạn, với chức danh trưởng bộ phận thì thực nhận là 50 triệu đồng/tháng, nhưng Nguyễn Kim chỉ khai thuế với lương cơ bản là 12 triệu đồng/tháng, số tiền chênh lệch 38 triệu đồng sẽ được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế).
Tương tự, các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng ngàn nhân viên cũng được Nguyễn Kim chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch. Do vậy, chỉ tính riêng số thuế TNCN mà điện máy Nguyễn Kim đã trốn nộp cho ngân sách là hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một số nhân viên vẫn đang tiếp tục khiếu nại vì cho rằng việc thanh tra, truy thu thuế của cơ quan thuế vẫn chưa đầy đủ, do từ đầu năm 2014, điện máy Nguyễn Kim dù chưa lên sàn chứng khoán đã ra quyết định thưởng cho nhân viên bằng cổ phiếu, được quy đổi là 50.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng) nhưng vẫn không khai thuế.
Đồng thời, các nhân viên đang tiếp tục khiếu nại về nguy cơ điện máy Nguyễn Kim đã nộp bảo hiểm xã hội không đúng, gây thiệt hại cho người lao động.
Được biết, năm 2015, điện máy Nguyễn Kim đã bán cổ phần cho Central Group (Thái Lan). Tuy nhiên, những hành vi trốn thuế này diễn ra từ trước đó cho đến ngày nay.
Bảo Ngọc (t/h)