Nhà đầu cơ Mỹ khốn đốn vì trót bán khống Nhân dân tệ - Hình 1

Bắc Kinh đã dùng những biện pháp ít ngờ tới để hỗ trợ tỷ giá, bao gồm thắt chặt kiểm soát vốn và “đốt” hơn 800 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong vòng 2 năm qua.

Nhân dân tệ mất giá đâu chẳng thấy, chỉ thấy ông Hart mất ngủ, mất khách hàng, và gần như mất cả sự tỉnh táo. Thậm chí, nhà quản lý quỹ đầu cơ người Mỹ mất cả niềm tin vào những gì ông từng tin chắc: năm ngoái, ông tin Nhân dân tệ sẽ mất giá hơn 50%, còn giờ đây, ông chuyển sang tin vào sự lên giá của đồng tiền này.

“Thế giới đã thay đổi”

Bài báo của hãng tin Bloomberg nói rằng sự thay đổi quan điểm của ông Hart diễn ra không hề dễ dàng. Từ văn phòng ở Fort Worth, Texas, ông Hart đã mất bao đêm không ngủ để kết nối với phía Hồng Kông, phân tích tin tức thị trường và tỷ giá các đồng tiền. Có lúc, sự căng thẳng khiến cuộc sống cá nhân của ông bị đảo lộn và cấp dưới của ông nản lòng.

“Tôi luôn nghĩ chúng tôi đang có một vụ làm ăn mà kết quả đạt được sẽ xứng đáng với độ rủi ro của nó. Nhưng chúng tôi đã phạm một số sai lầm, bao gồm việc vào cuộc quá sớm”, ông Hart nói. Ông bắt đầu đặt cược vào sự mất giá của Nhân dân tệ sau khi dự báo được cả khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ và khủng hoảng nợ châu Âu.

“Giờ đây, thế giới đã thay đổi”, ông thở dài.

Ông Hart, 45 tuổi, nhà sáng lập công ty Corriente Advisors, cho rằng cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Thượng Hải vào năm ngoái là một bước ngoặt then chốt đối với tỷ giá đồng Nhân dân tệ. Giống như nhiều nhà đầu tư khác, ông cho rằng cuộc họp này đã đi đến một thỏa thuận ngầm giữa các nhà lãnh đạo thế giới nhằm ngăn sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ. Ông gọi đó là khoảnh khắc “bằng bất kỳ giá nào” của Trung Quốc - khi các nhà hoạch định chính sách quyết tâm đỡ tỷ giá Nhân dân tệ bằng mọi giá.

“Trung Quốc hiện giờ đã có dư địa mà họ cần để tạm thời ngăn chặn sự giảm tốc tăng trưởng bằng chính sách tài khóa và tiền tệ, hoặc tiến hành cải cách, phát triển, và nâng cấp thành nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới”, ông Hart nói. 

Cho dù Trung Quốc có nhận được sự giúp đỡ từ các nước G20 khác hay không, rõ ràng Chính phủ nước này đã thành công trong việc ổn định tỷ giá hối đoái. Đồng Nhân dân tệ đã kết thúc chuỗi 3 năm giảm giá vào tháng 12 năm ngoái và tăng hơn 6% từ đầu năm đến nay. Hiện tại, tỷ giá Nhân dân tệ so với đồng USD đang ở mức cao nhất trong hơn 1 năm.

Nhưng dù ở thời điểm yếu nhất, đồng Nhân dân tệ cũng chưa giảm giá đủ để mang lại lợi nhuận cho vụ đặt cược của ông Hart. Ông bắt đầu bán khống Nhân dân tệ vào năm 2009 bằng cách mua vào những quyền chọn mà kết quả sẽ đi theo hai hướng: lãi lớn khi đồng tiền này giảm giá mạnh, hoặc không bao giờ mất trắng nếu sự giảm giá không diễn ra.

Ngay từ đầu, vụ làm ăn đã đi ngược lại những gì ông mong muốn. Sau khi ổn định trong 6 tháng đầu năm năm 2010, đồng Nhân dân tệ tăng giá trong 3 năm rưỡi. Cuối cùng, đồng tiền này cũng quay đầu giảm giá, nhưng sự giảm giá mạnh như kỳ vọng của ông Hart lại không hề diễn ra. Kết cục, ông mất khoảng 240-250 triệu USD.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg vào năm ngoái, ông Hart nói sai lầm lớn nhất của ông là tin các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cho rằng tốt nhất nên để đồng Nhân dân tệ mất giá. Theo lập luận của ông, việc phá giá một lần sẽ loại bỏ động lực cho sự thoái vốn khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã dùng những biện pháp ít ngờ tới để hỗ trợ tỷ giá, bao gồm thắt chặt kiểm soát vốn và “đốt” hơn 800 tỷ USD dự trữ ngoại hối trong vòng 2 năm qua.

Sai lầm hiếm hoi

Đối với ông Hart, đây là một tính toán sai lầm hiếm hoi. 

Quỹ đầu cơ của ông đã mang lại mức lợi nhuận hàng năm 30% trong thời gian từ 2001-2006. Khoản đặt cược của ông vào sự lao dốc của thị trường nợ dưới chuẩn của Mỹ đã tăng giá trị gấp 6 lần trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó, ông mang lại mức lãi gần gấp đôi cho một số nhà đầu tư nhờ dự báo chính xác về cuộc khủng hoảng nợ công của châu Âu.

Cần nhấn mạnh rằng ông Hart không phải là nhà quản lý quỹ đầu cơ duy nhất tin Nhân dân tệ sẽ mất giá. Vào tháng 2/2016, nhà đầu cơ Kyle Bass của quỹ Hayman Capital Management dự báo Nhân dân tệ sẽ mất giá 30%. Ba tháng sau, John Burbank của Passport Capital nói Nhân dân tệ sẽ có một đợt mất giá lớn trong vòng 1 năm. Trong năm 2015, một loạt nhà đầu cơ có tiếng từ David Tepper tới Crispin Odey cũng đưa ra những dự báo tương tự.

Trong khi một số quỹ đầu cơ tiếp tục giữ đặt cược vào sự mất giá của Nhân dân tệ, ông Hart nói cơn gió giờ đã đổi chiều theo hướng có lợi cho Trung Quốc. 

Các ngân hàng trung ương nước ngoài và các nhà đầu tư tổ chức đang mua vào đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hội nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu. Cùng với đó, sáng kiến con đường tơ lụa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho phép nước này tăng cường mối quan hệ với các đối tác thương mại ở khắp châu Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Theo ông Hart, các biện pháp kiểm soát vốn, bao gồm việc siết hoạt động thâu tóm ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc, đã mang lại hiệu quả như Bắc Kinh mong muốn.

“Tôi không cho là sẽ có thêm nhiều những vụ người giàu Trung Quốc mua câu lạc bộ bóng đá lớn”, ông Hart nói, cho rằng các vụ đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc thay vào đó sẽ được hướng vào lĩnh vực công nghệ và các dự án thuộc con đường tơ lụa.

Mức nợ kỷ lục của doanh nghiệp vẫn là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, nhưng ông Hart cho rằng nước này đã bắt đầu gặt hái những lợi ích từ cơ sở hạ tầng “đẳng cấp thế giới” và ngành công nghệ đang phát triển nhanh chóng. Nhà đầu cơ lạc quan về cổ phiếu thuộc hai ngành này ở Trung Quốc, cũng như ở các nền kinh tế mới nổi khác thuộc châu Á, Nhật Bản và Nam Âu, nhưng ông từ chối nói về những khoản đầu tư cụ thể.

Về đồng Nhân dân tệ, ông Hart cho biết ông sẽ không giao dịch, chí ít là vào thời điểm hiện nay.

An Huy - vneconomy