Phát triển nhân lực 4.0
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (công nghiệp 4.0) đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, đồng thời thay đổi hoàn toàn hệ thống sản xuất và quản trị hiện nay.
Công nghiệp 4.0 có thể mang lại cho kinh tế Việt Nam một cơ hội hiếm để bứt phá và Việt Nam đang có sự chuẩn bị tích cực cho cơ hội này.
Tuy nhiên để tận dụng được công nghiệp 4.0, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần phải có một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
Ảnh minh họa
PGS. TS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng trong cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ tiên tiến lan tỏa khắp thế giới, vấn đề chính không phải là làm thế nào để tiếp cận mà là làm thế nào để nhanh chóng làm chủ được công nghệ; từ đó kết hợp với các ý tưởng đột phá để tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có giá trị. Cần có sự đầu tư bài bản đối với hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng thích ứng, tự lực phát triển được công nghệ để sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ tiên tiến ngang bằng thế giới.
“Cần có chiến lược và quyết liệt thực hiện việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực 4.0, cụ thể là nhân lực cho công nghệ số, vật lý, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học; cần phải có cơ chế, chính sách thiết thực và hiệu quả. Làm như vậy để giữ được lực lượng cán bộ đang làm việc tiếp tục cống hiến, đóng góp (với chế độ trả công xứng đáng, có các yếu tố động viên).
Đồng thời khơi dậy được niềm đam mê học KH-CN cho học sinh phổ thông, tạo được niềm tin cho thế hệ trẻ có thể sống bằng nghề làm KH-CN và có điều kiện, môi trường nghiên cứu, theo đuổi ước mơ KH-CN. Qua đó, đẩy mạnh sự hội nhập, hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực bên ngoài tham gia hoạt động KH-CN trong nước”, GS-TS Nguyễn Quang Liêm, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, kiến nghị.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Ông Trần Hồng Quang – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, CMCN 4.0 dù mới khởi đầu nhưng đã có tác động nhất định và dự báo sẽ tác động ngày càng nhanh đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực lao động, việc làm được cho là ngày càng bị tác động mạnh mẽ bởi sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, robot, internet vạn vật, công nghệ tự động hóa… trong kỷ nguyên 4.0.
Mặt tích cực, những thành tựu của CMCN 4.0 có thể hỗ trợ NLĐ hoặc có thể đảm nhận công việc thay cho con người trong lao động, sản xuất với hiệu quả và năng suất cao hơn.
Với góc nhìn từ Việt Nam trước những cơ hội và thách thức từ tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng mà mở đầu là cuộc CMCN 4.0 và các ứng dụng của AI, nhiều giải pháp chiến lược đã được các diễn giả phân tích trong Hội nghị. Việt Nam hiện nay đang có những tiền đề rất tốt để tiếp cận với công nghệ cao, tri thức mới và cơ hội phát triển vượt bậc; đó là: dân số trẻ, nhiều người có hứng thú với công nghệ mới, có tư duy cởi mở, có điều kiện về nền tảng học vấn cao hơn so với các thế hệ trước...
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, viễn thông và truyền thông ở Việt Nam được đánh giá là phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, tạo điền kiện ổn định hạ tầng viễn thông và mạng lưới Internet, bước đầu tạo vị thế cho quốc gia trên trường quốc tế. Với những điều kiện như vậy, các lãnh đạo doanh nghiệp là những người tiên phong cần thay đổi khả năng thích ứng, làm sao để tận dụng được tiềm lực sẵn có và phá vỡ mọi rào cản trong tổ chức.
T.N