Thu phí điện tử không dừng trên tất cả các tuyến cao tốc
Từ 1/8, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương sẽ phải triển khai thu phí hoàn toàn tự động (ETC) đối với tất cả tuyến cao tốc. Nếu tài xế không dán thẻ tham gia dịch vụ ETC mà đi vào cao tốc sẽ bị xử phạt theo quy định.
Cụ thể, các trường hợp không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 2 - 3 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Trước đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tổ chức thu phí toàn bộ theo hình thức tự động không dừng từ ngày 1/6/2022.
Rút tiết kiệm trước thời hạn vẫn hưởng lãi cao
Ngân hàng Nhà Nước ban hành thông tư số 04/2022/TT-NHNN Quy định về việc áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022.
Cụ thể, trường hợp rút toàn bộ tiền gửi áp dụng mức lãi suất tối đa bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn.
Trường hợp rút một phần tiền gửi trước hạn áp dụng mức lãi suất bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của tổ chức tín dụng đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm rút trước hạn...
Thuê bao mới phải xác thực cơ sở dữ liệu dân cư
Từ 1/8, các thuê bao di động mới phát sinh phải thực hiện xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giải quyết tình trạng sử dụng SIM 'rác'.
Trong đó, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất quy trình thực hiện cấp số thuê bao mới, thực hiện rà soát cơ sở pháp lý và lựa chọn các giải pháp, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, phương án tổ chức thực hiện đối soát, xác thực thông tin thuê bao đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp viễn thông và các ngành, nghề kinh doanh có liên quan sử dụng số điện thoại di động.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây mới nhà ở
Đây là nội dung tại Thông tư 01/2022/TT-BXD hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, có hiệu lực từ ngày 15/8/2022.
Theo đó, đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo sau đây được hỗ trợ xây nhà mới 40 triệu đồng/hộ; sửa chữa nhà 20 triệu đồng/hộ:
Hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (sau đây viết tắt là Chương trình) có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm;
Đối tượng thụ hưởng hỗ trợ nhà ở không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác.
Xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường
Ngày 07/7/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó, bổ sung thêm quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không phân loại rác thải sinh hoạt. Nghị định 45/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/8/2022 và thay thế Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 55/2021/NĐ-CP .
Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định.
Đồng thời, Nghị định 45/2022/NĐ-CP cũng quy định cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải; Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Cách tính giá khởi điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá
Ngày 27/6/2022, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 11/2022/TT-BCT quy định về phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng đường theo phương thức đấu giá. Thông tư 11/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 12/8/2022.
Cụ thể, Điều 10 Thông tư 11/2022/TT-BCT hướng dẫn cách tính giá khởi điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá như sau: Giá khởi điểm và bước giá do Hội đồng đấu giá quy định, công bố chi tiết tại Thông báo tổ chức, niêm yết về việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo phương thức đấu giá.
Công thức xác định giá khởi điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường như sau: Giá khởi điểm = (Giá nhập khẩu - Giá mua đường trong nước) x hệ số X. Trong đó: Giá nhập khẩu được tính bằng giá CFR của đường tinh luyện + phí bảo hiểm + thuế nhập khẩu + thuế giá trị gia tăng + chi phí vận chuyển bốc xếp nội địa (giá CFR của đường tinh luyện nhập khẩu được tham chiếu trên thị trường London vào ngày Thông báo tổ chức đấu giá); Giá mua đường trong nước là giá bán buôn đường tinh luyện giao tại nhà máy + chi phí vận chuyển bốc xếp nội địa + thuế giá trị gia tăng (giá bán buôn đường tinh luyện giao tại nhà máy được xác định trên cơ sở giá bình quân của hai miền Nam, Bắc vào ngày Thông báo tổ chức đấu giá); Hệ số X là hệ số biến thiên, được Hội đồng đấu giá quy định và công bố sau khi được Chủ tịch Hội đồng đấu giá phê duyệt, căn cứ vào diễn biến tình hình cung cầu mặt hàng đường tại thời điểm tổ chức Phiên đấu giá.
Tiền đặt trước: Số tiền đặt trước có giá trị tương đương với 10% giá trị của số lượng đường thương nhân đăng ký tham gia phân giao theo phương thức đấu giá được tính theo giá khởi điểm.
Lương viên chức thư viện cao nhất là hơn 11 triệu đồng
Ngày 1/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 02 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành thư viện, có hiệu lực từ ngày 15/8.
Theo Thông tư mới, sắp tới viên chức chuyên ngành thư viện sẽ được bổ sung chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I mã số V.10.02.30.
Đây là hạng chức danh mới trong các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện với yêu cầu về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng bao gồm:
Có bằng tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành thông tin - thư viện. Trường hợp tốt nghiệp thạc sĩ trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành thông tin - thư viện do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp; Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành thư viện.
Theo Điều 9 Thông tư 02, chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng I được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A3, nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55. Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng II được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38.
Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng III được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Chức danh nghề nghiệp thư viện viên hạng IV được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Như vậy, với mức lương cơ sở hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng thì kể từ ngày Thông tư 02 có hiệu lực (ngày 15-8), viên chức chuyên ngành thư viện lương cao nhất là hơn 11 triệu đồng (tương đương hệ số lương 7,55).
Hải Minh