Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã và đang ban hành cảnh báo về các loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát trên thế giới. Gần đây, do phát hiện chủng mới của bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) tại châu Phi, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu lần thứ hai đối với dịch bệnh này.

Bên cạnh đó, tình trạng bùng phát bệnh sốt xuất huyết do vi rút Marburg tại châu Phi cũng đang là vấn đề quan tâm của toàn cầu.

Ngoài các bệnh trên, hiện nay, nhiều bệnh nguy hiểm khác như cúm gia cầm độc lực cao, Hội chứng hô hấp Trung Đông, bệnh do vi rút Ebola, bệnh sốt rét tại Congo đã khiến nhiều người tử vong, các bệnh truyền nhiễm nhóm B cũng tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sức khỏe cộng đồng.

Cảnh giác các dịch bệnh xâm nhập vào trong nước
Cảnh giác các dịch bệnh xâm nhập vào trong nước

Theo báo cáo mới nhất của WHO, tính đến ngày 15/12/2024, châu Phi đã ghi nhận 13.769 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 20 quốc gia, trong đó có 60 ca tử vong. Congo vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với 9.513 ca bệnh. Đáng chú ý, đợt bùng phát mới nhất ghi nhận sự lây lan của biến thể nguy hiểm Clade 1b (xuất hiện lần đầu tiên tại Congo từ tháng 9/2023) và đã ghi nhận những trường hợp nhiễm biến thể Clade 1b tại 8 quốc gia ngoài châu Phi, trong đó có Thụy Điển, Thái Lan... Tỷ lệ tử vong khi mắc biến thể này là khoảng 3,6%, cao hơn các biến thể trước đó.

Hay mới đây, Nam Phi cũng đã cảnh báo về sự gia tăng đáng kể số ca mắc bệnh Rubella trên khắp cả nước, với hơn 10.000 ca được báo cáo từ đầu năm đến tháng 11/2024.

Với sự phát triển của giao thông, thương mại toàn cầu, việc di chuyển giữa quốc gia này với quốc gia khác diễn ra rất nhanh chỉ tính bằng giờ và dễ tiếp cận nên nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan cũng tăng cao, khó kiểm soát. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định: “Các dịch bệnh hiện nay có xu hướng diễn biến nhanh hơn, xảy ra nhiều hơn. Các dịch từ nước ngoài xâm nhập qua biên giới cũng sẽ có tốc độ nhanh. Việc đi lại, giao lưu toàn cầu hóa gia tăng; việc con người tiếp xúc với động vật hoang dã cũng tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Có những loại virus trước kia chỉ lưu hành ở động vật, nhưng bây giờ đã lây sang người; gây ra dịch và tiếp tục lây lan từ người sang người, như bệnh đậu mùa khỉ”.

Do vậy, việc phòng các bệnh qua biên giới là điều cần phải lưu ý; bởi với các bệnh lây qua biên giới thường đã có biến chủng, độc lực cao, lây lan nhanh. Hiện nay, Bộ Y tế Việt Nam là một trong các thành viên của các tổ chức điều lệ y tế quốc tế, luôn có thông tin, theo dõi hàng ngày, sẽ có sự bám sát.

Giai đoạn hiện nay, khí hậu lạnh, dễ lây lan các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây lan qua đường hô hấp; các kế hoạch chủ yếu tập trung giám sát các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, các ca bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp… Không chỉ riêng ngành Y tế, trong phòng chống dịch, cần sự phối hợp của các ngành khác thường xuyên như: Ngành Nông nghiệp thông tin về các ổ dịch trên gia cầm, động vật; tại các cửa khẩu, các chợ gia cầm… để có thông tin sớm, có sự chủ động; Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp trong kiểm soát lây lan dịch bệnh trong trường học…

Thiên Trường (t/h)