THCL - Đã có nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội với nội dung có thể bêu tên người "ăn mặc hở hang, phản cảm" là khó khả thi, dễ bị người dân khởi kiện nếu ảnh hưởng đến họ.

Nhiều ý kiến trái chiều về Dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội - Hình 1

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Ăn mặc hở hang có thể bị phê bình

Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử bản Dự thảo Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội (http://sovhtt.hanoi.gov.vn) để xin ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận.

Theo đó, các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn không nên nói to, gây ồn ào; nói tục, chửi bậy; hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; xả rác thải, chất thải trái nơi quy định; viết bậy, bôi bẩn lên các công trình công cộng và không mặc trang phục hở hang trái với thuần phong mỹ tục, gây phản cảm…

Tại khu vui chơi giải trí, điểm thăm quan, nhà ga, bến tàu hay sân bay..., dự thảo nêu quy tắc không chen lấn, xô đẩy, gây rối; ăn uống, ngủ, nghỉ tùy tiện... Người bán không tranh giành khách, chèo kéo; nâng giá hàng hóa và dịch vụ đối với khách du lịch.

 Hà Nội cho rằng, việc ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực đạo đức - tổ chức xây dựng thành phố thanh lịch, văn minh; góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô và đất nước.

Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt Quy tắc sẽ được biểu dương, khen thưởng và nếu vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Những ý kiến trái chiều

Nhiều chuyên gia cho rằng, Dự thảo quy tắc ứng xử nơi công cộng của Hà Nội với nội dung có thể bêu tên người "ăn mặc hở hang, phản cảm" là khó khả thi, dễ bị người dân khởi kiện nếu ảnh hưởng đến họ.

Dẫn lời Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trên các cơ quan thông tấn báo chí, ông tỏ ra không đồng tình với nội dung trên. Theo ông, việc ngăn cản ăn mặc phản cảm nên làm bằng dư luận xã hội, chứ không phải bằng quy chế. "Thời đại này, không dễ để một cơ quan nhà nước can thiệp vào sở thích của cá nhân, trừ khi nó phương hại đến lợi ích, đến trật tự công cộng", ông nhấn mạnh.

Ông Quốc cũng cho rằng, đưa ra quy tắc mà không làm được thì thành ra "nó nhờn đi". Và người dân sẽ coi thường. Có thời kỳ trên nghị trường, Quốc hội từng tranh luận chuyện "váy ngắn bao nhiêu thì vừa, thì gọi là ngắn". Khi đó, Bộ trưởng Văn hoá Phạm Quang Nghị (người sau này là Bí thư Thành ủy Hà Nội từ năm 2006 đến 2016) đã phải trả lời và trở thành... chuyện vui trong Quốc hội.

"Tôi không hiểu đây là ý kiến của ai, nhưng điều quan trọng nhất khi đưa ra một dự thảo nào đó, cần phải thấy được 2 mặt. Một là, có xác định được những nội hàm của quy định không. Hai là, có thực thi được không. Những chuyện sờ sờ là cấm hút thuốc lá nơi công cộng còn không làm nổi, huống chi là bàn chuyện ăn mặc. Hà Nội là Thủ đô thì nên tránh điều này", ông Quốc nói.

Còn theo ông Nguyễn Đức Tuấn (nguyên Vụ trưởng, nguyên Phó chánh Văn phòng Bộ Văn hóa) cho biết ông ủng hộ Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử của Thủ đô với nội dung cấm ăn mặc "hở hang, phản cảm" như nêu trên. Theo ông, ở Thái Lan - quốc gia du lịch nhưng vẫn cấm việc du khách ăn mặc hở hang khi vào các ngôi đền, chùa... 

"Bây giờ, điều cần là chế tài. Bộ Văn hóa trước đây từng quy định, ca sỹ lên sân khấu cần ăn mặc như thế nào và đã xử lý một số vụ. Không có chế tài thì văn hóa dân tộc sẽ dần bị lai căng, mất gốc", ông Tuấn nêu vấn đề.

Bêu tên có thể dẫn đến khiếu kiện

Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại New York (Mỹ), khi nói đến "quy tắc" là liên quan đến pháp luật Việt Nam. Và liệu "quy tắc" của Hà Nội về vấn đề ăn mặc phản cảm - có đáp ứng đầy đủ các yếu tố liên quan hay không?

"Khái niệm "ăn mặc phản cảm" khá trừu tượng, mỗi người nghĩ mỗi kiểu khác nhau, tuỳ theo nhận thức và lứa tuổi của mình, vì vậy rất dễ gây tranh cãi. Cá nhân tôi, không xác định được thế nào gọi là "ăn mặc phản cảm?". Thành phố có thể phát huy chương trình ăn mặc thanh lịch, nếp sống văn minh, có lẽ phù hợp với cuộc sống hiện tại hơn", ông Thắng  nói.

Việt kiều Trần Thắng cũng cho biết, khó có thể tìm được ở các nước quy định "cấm ăn mặc hở hang". Những khu vực tôn giáo và tín ngưỡng thì đã có các bảng hướng dẫn ăn mặc và có hình minh họa, không có quy định chung chung kiểu "cấm ăn mặc phản cảm".

Ông Trần Thắng cho rằng, Hà Nội không thể áp dụng nội dung "ăn mặc hở hang, phản cảm" cho người nước ngoài, vì vấn đề pháp lý hoặc thu hút khách du lịch. Nếu không áp dụng được cho người nước ngoài mà áp dụng cho người trong nước thì cũng không ổn.

"Việc bêu tên chắc là phải xem xét có phù hợp với quyền con người, quyền công dân được quy định trong pháp luật của Việt Nam hay không. Vì sau này, giả sử áp dụng quy định đó, người dân có thể sẽ khiếu kiện để bảo vệ danh dự của họ", ông Thắng nhận định.

Thế Long (T/h)