Tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu & Công luận với những gì đang diễn ra thì cơ hội đòi tiền, nhà của người dân đang hết sức mong manh.

Theo phản ánh của khách hàng đã đặt mua căn hộ Chung cư Gia Phú, nhiều lần liên hệ, tìm kiếm chủ đầu tư nhưng không được, địa chỉ Công ty TNHH Địa ốc Gia Phú tại 68 Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức, không còn hoạt động. Liệu rằng, chủ đầu tư đã bỏ trốn? Trong khi người mua nhà, rất nhiều năm đằng đẵng đi gõ cửa các cơ quan chức năng đòi quyền lợi vẫn phải chờ đợi.

Những bất cập trong bàn giao căn hộ (TP. HCM)- Bài 6: Ai bảo vệ quyền lợi cho dân? - Hình 1

Sau nhiều năm, chung cư Gia Phú mới chỉ hoàn thiện phần thô

Điều khiến hàng trăm người dân mua nhà ở đây lo lắng đó là VKSND TP. HCM hủy bỏ quyết định khởi tố, kéo theo quyết định không phê chuẩn lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Hùng Nghiêm với một lý do khá đơn giản “chủ đầu tư còn tiền nên không khởi tố”.

Với quyết định này, nếu trường hợp ông Nghiêm bỏ trốn ra nước ngoài thì số tiền mà người dân tích cóp cả đời sẽ có nguy cơ mất trắng?

Tuy nhiên, niềm hy vọng của người dân đang được nhen nhóm khi mới đây đại diện VKSND TP. HCM cho biết sẽ xem xét lại quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam đối với ông Nghiêm.

Thực tế, tháng 8/2016, VKSND TP. HCM đưa ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can với lý do: Những căn hộ bán trùng là do thiếu tiền kinh doanh nên phải đi vay của chủ nợ, không có tiền nên chủ nợ ép phải ký bằng hợp đồng mua bán. Ngoài ra, còn 16 căn hộ và 3 sàn thương mại tổng trị giá khoảng 81,2 tỷ đồng chưa bán, 10 căn còn lại chưa thể hiện rõ. Do vậy, không đủ yếu tố dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Trong khi 10/16 căn hộ mà VKSND nêu ra thực tế đã được bán cho khách hàng. Không những thế, trong số đó, 3 căn hộ C1-14, B3-13, C1-5 đã bán cho 2 người và đã thu tiền, thời điểm mua bán đều diễn ra trong các năm 2012 và 2013.

Như vậy, VKSND TP. HCM đưa ra lập luận vẫn còn 16 căn hộ chưa bán là không chính xác. Đồng thời, việc còn tài sản hay không của chủ thể phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” không phải là yếu tố quyết định để cấu thành tội phạm. 

Hơn nữa, chủ đầu tư lấy lý do thiếu tiền kinh doanh nên ký hợp đồng mua bán vì bị chủ nợ ép bán một căn hộ cho nhiều người để lấy tiền là hết sức vô lý. Vì điều dễ hiểu, người mua nhà bỏ tiền ra để sở hữu căn nhà, chứ không phải đầu tư hay giải quyết khó khăn tài chính cho chủ đầu tư.

Nếu chủ đầu tư hết tiền không thể trả lại người mua nhà, cũng như không hoàn thiện dự án, thì tất cả hơn trăm con người có nguy cơ mất trắng tài sản, trách nhiệm này thuộc về ai?

Thanh Bút