Lợi nhuận một số công ty tài chính tiêu dùng ‘lao dốc’
Công ty tài chính Mirae Asset Finance cùng Shinhan Finance vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023. Cả 2 đơn vị tài chính đến từ Hàn Quốc đều báo lỗ sau thuế lần lượt 963 tỷ và 463 tỷ đồng. Trong khi năm trước đó, 2 công ty vẫn còn ghi nhận lãi lần lượt 127 tỷ và 312 tỷ đồng.
Bên cạnh các công ty tài chính báo lỗ, nhiều công ty khác trong ngành đã ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 lao dốc mạnh, giảm từ 50 - 75% so với năm 2022. Cụ thể, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) vốn lãi lớn trong các năm trước, đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 chỉ đạt 240 tỷ đồng, giảm mạnh đến 75% so với mức lãi 960 tỷ đồng của năm 2022. Đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu Công ty tăng lên 3.008 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn đạt 13,99%.
Không chỉ các đơn vị lớn mà cả các công ty tài chính quy mô nhỏ cũng không thoát khỏi tình trạng chung của thị trường. Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) năm vừa qua chỉ đạt lợi nhuận sau thuế hơn 19,2 tỷ đồng, giảm gần 70% so với mức lãi hơn 63,3 tỷ đồng của năm 2022. Về cơ cấu tài sản, VietCredit ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với tổng tài sản cuối 2023 đạt 6.849 tỷ đồng, tăng gần 5% so với năm 2022. Cho vay khách hàng cũng tăng khoảng 4,6%, đạt 4.621 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tình hình tín dụng tăng trưởng chậm và cầu vốn tiêu dùng giảm, VietCredit chỉ đạt 20,8% mục tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Tín dụng tăng trưởng chậm trong năm 2023
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tại cuối năm 2023 tín dụng toàn nền kinh tế tăng trường 13,71% so với cuối năm 2022. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống chỉ tăng 7,83%, chiếm 21,19% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trước đó, trong năm 2022 nền kinh tế Việt Nam đã đạt tăng trưởng tín dụng 22%. Có thể thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chậm lại rõ rệt trong năm 2023. Bên cạnh đó, dư nợ cho mảng tài chính tiêu dùng cũng chiếm lượng rất nhỏ. Tính đến hết tháng 8/2023, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống tiêu dùng tại 16 công ty tài chính hàng đầu chỉ chiếm khoảng 5% dư nợ cho vay phục vụ đời sống.
Dù vậy, thị trường Việt Nam vẫn có một số triển vọng tích cực đối với tiêu dùng cá nhân. Theo đánh giá của HSBC, nguyên nhân đến từ tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam vẫn duy trì được ở mức thấp. Đặc biệt lĩnh vực điện tử gần đây đã có một số chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, sự hồi phục về việc làm tại các ngành diễn ra không đồng đều, như dệt may và da giày chưa hoàn toàn thoát khỏi giai đoạn khó khăn. Trong khi đó lĩnh vực du lịch liên hệ chặt chẽ đến thị trường lao động cho ngành dịch vụ đang được hưởng lợi từ chính sách gia hạn thời gian lưu trú, miễn thị thực cho du khách một số quốc gia.
Minh An(t/h)