Điều này còn làm cuộc sống người dân bị ảnh hưởng rất lớn, từ chuyện nhà không số, đất không sổ đến xây dựng không phép…

Hơn 3.000 hộ dân sống trong chờ đợi

Dự án được UBND TP. HCM đưa ra bản quy hoạch xây mới ngay từ năm 2002. Nhưng do gặp phải nhiều vướng mắc nên chưa được thực hiện. 11 năm sau (2013), Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông – vận tải TP. HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 568/QĐ-TTg.

Những DA tiến độ... rùa (TP. HCM) - Bài 2: DA Ga Bình Triệu – hơn 10 năm mới cắm mốc - Hình 1

 Người dân tận dụng đất trống giữa các đường ray để trồng rau

Đến cuối năm 2016, tức sau 14 năm kể từ ngày được quy hoạch, Công ty CP Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (TEDI South) cùng các đơn vị liên quan mới tiến hành cắm mốc giới ngoài thực địa ở dự án. Công tác này nhằm xác định phạm vi chiếm dụng đất, bàn giao cho địa phương để quản lý quỹ đất dành cho phát triển giao thông đường sắt, cũng như quy hoạch xây dựng.

Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, từ trước và sau khi dự án được cắm mốc thì cuộc sống của người dân vẫn không có gì thay đổi; ngược lại, tâm lý trở nên lo âu, thấp thỏm. Sau nhiều năm sử dụng thì nhà cửa đang trong tình trạng xuống cấp, nhưng không được phép xây mới, do vị trí đất nằm trong quy hoạch.

Những DA tiến độ... rùa (TP. HCM) - Bài 2: DA Ga Bình Triệu – hơn 10 năm mới cắm mốc - Hình 2

Ga Bình triệu tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức

Ông Phùng Tiến Quang (56 tuổi) cho biết: “Gia đình tôi có hai người con. Năm vừa rồi, đứa lớn vừa cưới vợ xong mà ngôi nhà chỉ vọn vẻn hơn 30 m2. Định xây nhà riêng cho hai đứa nhưng không được, khi hỏi ra thì biết đất nhà nằm trong quy hoạch của dự án. Bây giờ, nhà tôi không biết tính sao, đất thì có nhưng 2 đứa con vẫn phải ra ngoài thuê nhà trọ”, ông Quang ngao ngán.

Sau nhiều năm nằm trong quy hoạch dự án, không chỉ nhà cửa của người dân, mà cơ sở hạ tầng tại đây cũng đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng. Thường xuyên xảy ra tình trạng ngập, lụt mỗi khi trời mưa, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước cũng đã bị tắc nghẽn từ lâu mà không được nâng cấp.

Những DA tiến độ... rùa (TP. HCM) - Bài 2: DA Ga Bình Triệu – hơn 10 năm mới cắm mốc - Hình 3

Sau 14 năm quy hoạch dự án mới tiến hành cắm mốc

Trước việc hàng trăm ngôi nhà tại khu vực này không có số, cơ sở hạ tầng không được nâng cấp, môi trường ô nhiễm, nhiều hộ dân đành chấp nhận bán nhà với giá rẻ để di chuyển đến nơi khác. Đại diện một hộ dân tại đây cho biết, nhiều người đang cần nhà ở nên liều mua bán bằng giấy viết tay, nếu bị giải tỏa cũng được bồi thường nhưng rủi ro cao.

Người dân tiếp tục chờ…

Trước tình trạng hơn 3.000 hộ dân đang sống trong cảnh thấp thỏm, thiếu thốn, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan chức năng để tìm hiểu rõ thông tin dự án.

Những DA tiến độ... rùa (TP. HCM) - Bài 2: DA Ga Bình Triệu – hơn 10 năm mới cắm mốc - Hình 4

Đường dẫn vào dự án thường xuyên ngập nước mỗi khi trời mưa

Ông Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết: “Mỗi khi tôi xuống cơ sở, người dân gặp thì câu đầu tiên thay lời chào luôn là hỏi bao giờ mới xóa quy hoạch treo?

Sự khó khăn mà người dân trong khu quy hoạch phải chịu đựng trong gần 15 năm qua rất nặng nề. Không chỉ người dân, mà lãnh đạo chính quyền địa phương cũng đã thường xuyên kiến nghị xem xét việc quy hoạch mở rộng ga còn phù hợp hay không.

Chúng tôi mong muốn sớm có quyết định dứt điểm về việc đầu tư hoặc xóa bỏ quy hoạch, để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân”.

Những DA tiến độ... rùa (TP. HCM) - Bài 2: DA Ga Bình Triệu – hơn 10 năm mới cắm mốc - Hình 5

Nhà đã xuống cấp nhưng không được phép xây mới

Trong khi đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc nhận định việc quy hoạch dự trữ khu ga Bình Triệu tại phường Hiệp Bình Chánh là cần thiết để ổn định quy hoạch sử dụng đất, quản lý tốt quỹ đất cho phát triển giao thông đường sắt. Việc quy hoạch cũng đã được UBND TP. HCM và quận Thủ Đức cùng các đơn vị liên quan thống nhất bằng việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị.

Tuy nhiên, quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh) hiện vẫn chưa xác định được nguồn lực và kế hoạch triển khai, thực hiện dự án.

Trong khi đó, theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị này chưa triển khai gì về dự án ga Bình Triệu. Việc cắm mốc là để công bố quy hoạch cho tương lai. Đối với thời điểm triển khai dự án, đại diện Cục Đường sắt Việt Nam cho biết còn phải xem xét về kinh phí đầu tư. 

Hiện nay, công tác cắm mốc đã tiến hành cắm 212 điểm mốc giới ở quận Thủ Đức, trong đó phường Tam Phú 5 điểm, phường Linh Tây 17 điểm, phường Linh Đông 54 điểm và phường Hiệp Bình Chánh 136 điểm. Tổng kinh phí thực hiện việc đo vẽ, cắm mốc là gần 2 tỷ đồng từ nguồn vốn của Cục Đường sắt Việt Nam.

Hải Phong