Bắc Giang là tỉnh có nhiều Di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, công trình văn hóa tâm linh có giá trị, trong đó phải nói đến các chùa vừa là công trình văn hóa tâm linh, vừa là điểm đến của du khách, phật tử và người dân trên địa bàn, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về như: Thành Xương Giang ( TP. Bắc Giang), chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng (huyện Yên Dũng), Đình Thổ Hà, Chùa Bổ Đà (huyện Việt Yên), Đền Suối Mỡ ( huyện Lục Nam) ...Tại các địa điểm này, từ ngày mùng 1 đến rằm tháng Giêng hàng năm, hàng ngàn người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cũng như du khách thập phương lại nô nức đi lễ chùa đầu năm với tấm lòng thành kính và ước mong một cuộc sống bình an, may mắn cho gia đình và bạn bè, người thân…
Thành Xương Giang
Thành Xương Giang nằm ở phường Xương Giang, TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang, ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ 15, là điểm đến đầu tiên của những người đam mê lịch sử hay thích tìm tòi, khám phá kiến trúc. Năm 1407, giặc Minh cho đắp thành này. Tuy hiện nay thành đặt ở vùng bằng phẳng nhưng ngày xưa, nó là ở vị trí hiểm yếu với hệ thống sông con, đầm lầy, rộc trũng bao quanh. Do có địa thế hiểm yếu, nên năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn phải vây đánh 9 tháng mới hạ được thành. Để kỷ niệm chiến thắng lịch sử này, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng.
Do sự tác động của lịch sử, thời gian và con người, ngôi thành hiện không còn nguyên vẹn mà chỉ còn những dấu tích. Từ các dấu tích ấy, có thể nhận thấy thành hình chữ nhật, rộng 27ha, có 4 cửa và được bao quanh bởi hào nước rộng.
Khi đến thành, khám phá từng ngóc ngách, chúng ta sẽ nhận ra những dấu ấn riêng biệt của ngôi thành như tại góc thành Tây Bắc vẫn còn cả tấm bia đá xanh nguyên vẹn, trên trán bia đề các chữ Hán "Xương Giang cổ thành bi ký" (bia ghi về thành cổ Xương Giang)...
Làng Thổ Hà và đình Thổ Hà
Từ Hà Nội theo Quốc lộ 1 về hướng Bắc 31 km tới TP. Bắc Ninh, rẽ trái đi 3 km tới phố Đặng, ngược theo đê sông Cầu 1 km thì tới bến đò Thổ Hà, sang đò là tới làng.
Thổ Hà là tên gọi một làng nghề có ba mặt là sông thuộc xã Vân Hà. Đây là một ngôi làng cổ thuần Việt với cây đa, bến nước, sân đình và những nếp nhà cổ nằm sâu trong các ngõ hẻm. Điểm khác biệt duy nhất so với các làng quê đặc trưng Bắc Bộ là người dân ở đây không sống bằng nghề nông mà sống bằng nghề thủ công và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi tiếng về nghề làm bánh đa nem và mỳ gạo.
Nếu đến đây vài chục năm trước, du khách sẽ thấy rõ dấu ấn của nghề gốm vang bóng một thời thông qua những bức tường ngõ cổ, bức tường nhà xây toàn bằng những mảnh gốm vỡ hay tiểu sành phế phẩm mà không dùng chút vôi vữa nào, chỉ dùng bùn của sông Cầu để kết dính. Hiện nay các bức tường này đã bị “xi măng hóa”.
Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Đình thờ Thân Cảnh Phúc, một vị tướng nhà Lý, có công lớn trong kháng chiến chống quân Tống, dân tộc Tày, tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn - Lạng Sơn), được vua Lý gả công chúa và phong chức tri châu. Đình Thổ Hà là một công trình kiến trúc quy mô trên một khu đất rộng 3.000 m². Đình xây dựng năm 1685 thời vua Lê Chính Hòa năm thứ 7. Đến năm 1807 (Gia Long năm thứ 5) xây dựng tiền tế và hai nhà tả vu, hữu vu. Đình được dựng theo kiểu chữ công với nhiều chi tiết chạm trổ tinh vi, nhiều cảnh trí sinh động. Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ. Nghệ thuật điêu khắc độc đáo từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Bác Cổ Đông Dương.
Khi đến đây du khách được ngắm cảnh trên bến dưới thuyền của dòng sông Cầu, thăm đình làng, chùa, cổng làng, văn chỉ, xem các cây đa cổ thụ, thăm một số nhà cổ trong làng, xem những ngõ xóm hun hút đẹp với vẻ cổ kính, thăm lò sản xuất gốm, thăm các gia đình sản xuất bánh đa nem và mỳ gạo bằng máy và thủ công, thăm các gia đình nấu rượu gạo đồng thời đến thăm hai địa điểm du lịch nổi tiếng nữa của đất Kinh Bắc, đó là chùa Bổ Đà và đền Bà Chúa Kho, các địa điểm này chỉ cách nhau từ 3 đến 5 km.
Chùa Bổ Đà
Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVIII), chùa Bổ Đà là một trong những ngôi chùa cổ kính và lớn nhất vùng Kinh Bắc xưa và Bắc Giang nay. Chùa Bổ Đà (thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) lưng tựa núi Phượng Hoàng xinh đẹp, mặt nhìn ra dòng sông Cầu yên ả. Nơi đây sơn thủy giao hòa, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại. Cảm động trước vẻ đẹp của chốn tổ Bồ Đà. Nét khác biệt của Bổ Đà so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc Việt Nam là lối kiến trúc ‘‘nội thông ngoại bế”, tạo vẻ u tịch, thanh vắng, linh thiêng. Cổng, tường bao được trình bằng đất với độ dày 0,8m, cao 2-3m. Đó cũng là những nét cổ độc đáo mà hiếm nơi nào còn giữ được. Hệ thống kiến trúc của chùa gồm gần một trăm gian liên hoàn, bố cục hài hoà với nhiều vật liệu dân dã: đất, gạch nung, ngói, tiểu sành... Được khởi dựng vào thời Lê, hiện nay chùa còn nhiều tài liệu, hiện vật, cổ vật có giá trị lớn về mặt văn hóa, lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật như: chuông đồng, bia đá, hoành phi, câu đối... Ngoài ra, chùa Bổ Đà hiện còn lưu giữ một kho tàng di sản Hán Nôm phong phú về số lượng, đa dạng về loại hình với hàng trăm cuốn kinh sách, luật giới nhà Phật. Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị. Bộ kinh được hình thành từ ý tưởng của các vị tổ sư dựng chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật cho đời sau.
Chùa Bổ Đà có tổng cộng hơn 2000 mộc bản của các bộ kinh như: Lăng nghiêm chính mạch, Yết ma hội bản, Nam hải ký quy… Bổ Đà hiện cũng còn một vuờn tháp cổ, nơi tàng lưu xá lị, tro cốt nhục thân của các vị tăng ni. Với gần 100 ngôi tháp, vườn tháp chùa Bổ Đà được đánh giá là đẹp và lớn nhất Việt Nam. Vì là một trong những trung tâm lớn của dòng thiền Lâm Tế nên hằng năm đến kỳ “kiết hạ an cư”, có rất đông các vị tăng ni, tín đồ ở nhiều vùng khác nhau tập trung về đây tham thiền học đạo.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Đức La hay còn có tên chùa Vĩnh Nghiêm, là một trung tâm Phật giáo từ thời Trần thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, thuộc xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm Tự. Thời vua Trần Thánh Tông (1258-1278) do có nhiều vị cao tăng tu hành nên chùa được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông (1258-1308), từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngoạ Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam Tổ.
Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn, tọa lạc trên mảnh đất khoảng 1 ha, bao quanh khuôn viên là luỹ tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: toà Thiên đường, toà Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác. Mở đầu là cổng tam quan xây gạch, sau đó đi vào hơn 100 m là bái đường (chùa Hộ).
Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng
Nham Biền là tên dãy núi nằm ở địa phận hai huyện Yên Dũng và Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang, đột khởi giữa vùng đồng bằng Yên Dũng cổ với khí thế hùng vĩ nối liền hai dòng sông Thương và sông Cầu, từ ngàn xưa đã là vùng có vị trí chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáng kể hơn, đây còn là nơi lưu giữ những dấu tích đặc biệt về văn hóa và tâm linh rất quan trọng. Vùng Nham Biền từ bao đời nay vẫn lưu giữ một truyền tích: Ngày xa xưa, khi trời đất mở mang, ở vùng đất này nổi lên 99 ngọn núi liền thành một dãy, gọi là dãy núi Neo. Trên dãy núi ấy, cây cối xanh mát, mây phủ quanh năm, sinh khí dồi dào, vốn là nơi cho muôn loài tụ hội. Một ngày kia, có một vị quân vương vì muốn chọn đất lập đế đô mở mang cơ nghiệp nên đã tìm về dãy núi Neo xem ngắm địa thế. Thấy nơi đây ngùn ngụt vượng khí, mây lành quấn quít nên đức vua cũng hài lòng lắm.
Chợt lúc ấy, có 100 con chim phượng hoàng từ đâu bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi; riêng con chim đầu đàn, vì không có chỗ đậu nên đành vỗ cánh bay đi, kéo cả đàn cùng theo. Nhìn thấy đàn chim thiêng “tỏ ý” như thế, nhà vua thầm thở dài, biết là vùng đất tuy đẹp nhưng không phải là “cuộc đất” dành làm nơi đế đô nên buộc phải chọn nơi khác. Chỗ vị vua đứng ngắm đất và tao ngộ đàn phượng hoàng thần kỳ kia nay chính là ngọn cao nhất của dãy núi Neo, có tên gọi non Vua.
Suối Mỡ
Đến suối Mỡ, du khách như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh với những ngôi đền, ngôi chùa nằm tĩnh trên những mỏm núi. Nổi bật nhất chính là đền Suối Mỡ, gồm có đền Hạ, Trung, Thượng nằm dọc theo dòng suối Mỡ.
Ngoài việc thưởng ngoạn phong cảnh, đến suối Mỡ du khách còn như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh với những ngôi đền, chùa nằm tĩnh tại trên những mỏm núi. Nổi bật nhất là đền Suối Mỡ, bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ chung Thượng Ngàn Thánh Mẫu (công chúa Quế Mỵ Nương đời vua Hùng thứ16). Tương truyền bà là người đã có công mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng xóm. Tại mỗi điểm đến phong cảnh lại có sự thay đổi khác nhau mang đến nhiều trải nghiệm thú vị, đặc biệt nhất là 5 ngọn thác luôn đổ nước trắng xóa. Theo truyền thuyết, đó chính là 5 ngón tay của công chúa Quế Mỵ Nương.
Có thể nói, đến chùa vãn cảnh, cầu an, cầu phúc đầu năm là nét văn hóa truyền thống tự ngàn đời, là dịp để con người tìm sự bình an trong tinh thần, lắng đọng tâm hồn, thanh thản cõi lòng sau bao bộn bề, lo toan của cuộc sống…Đây thực sự là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và Bắc Giang nói riêng.
Nguyễn Loan