Ảnh minh họa
Rau quả có khả năng gây thèm ăn và kích thích các tuyến tiêu hóa bài tiết ra dịch tiêu hóa. Tác dụng này đặc biệt rõ rệt ở các loại rau có chứa tinh dầu như mùi, hành, tỏi. Nhiều loại rau gia vị còn cung cấp kháng sinh thực vật giúp cơ thể tăng sức đề kháng. Ngoài ra, rau quả còn có các men ảnh hưởng tốt tới quá trình tiêu hóa.
Việc lựa chọn các loại rau quả đảm bảo an toàn là rất khó khăn bởi hiện nay, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là rau quả an toàn và đâu là rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng quy định. Tất cả các loại hóa chất bảo vệ thực vật đều độc hại, tuy nhiên, mức độ độc hại còn phụ thuộc nhiều vào liều lượng được dùng ít hay nhiều và thời gian cách ly dài hay ngắn. Dư lượng hóa chất tồn dư trong rau quả có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc trường diễn cho người sử dụng. Tuy nhiên, nếu rau quả chỉ bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật ở lượng nhỏ thì khi sơ chế có thể loại bỏ hết hàm lượng độc tố.
Ngoài ra, nhiều vùng canh tác đã sử dụng nguồn nước tưới rau và rửa rau không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm một số vi khuẩn, đặc biệt là khuẩn tả đã gây bệnh tiêu chảy cấp cho người ăn rau sống và là nguồn gây nhiều bệnh về đại tràng, đường ruột.
Việc lựa chọn và sơ chế rau quả có vai trò quan trọng, TS. Hoàng Kim Thanh đưa ra một số khuyến cáo để người dân có thể chọn và sử dụng rau quả an toàn. Theo đó, về nguyên tắc chọn rau quả, người tiêu dùng không nên mua các loại rau quả trái vụ, lúc này thời tiết không thuận lợi nên sâu bọ phát triển nhiều, rau quả cằn cỗi nên người trồng rau phải dùng nhiều loại hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng. Không nên chọn những mớ rau quá non, mỡ màng, các loại quả to và bóng so với bình thường vì những loại rau quả này người trồng phải dùng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng.
Đối với rau ăn lá không nên chọn những bó rau có màu xanh quá đậm, quá mướt, lá bóng mà nên chọn màu xanh nhạt, cây rau có vẻ bình thường. Rau ăn ngọn không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, ngọn to hơn bình thường.
Không mua rau quả có mùi vị lạ, màu sắc khác thường. Nên chọn rau quả còn nguyên vẹn, không bị dập nát hoặc có vết nứt, thủng. Đồng thời, tránh mua rau quả gọt vỏ và xắt sẵn, ngâm nước vì nguồn nước ngâm không đảm bảo vệ sinh hay có hoà các hoá chất để giữ trắng.
Đối với sơ chế rau, khi mua ra về cần nhặt sạch lá vàng úa, lá sâu, cắt rễ. Ngâm rau với nước, rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá. Riêng đối với các loại rau có kẽ lá nhỏ như xà lách, súp lơ, bắp cải, rau cần, các loại rau sống như rau mùi, rau thơm, rau húng, tía tô, kinh giới,... thì nên pha vào nước rửa 1-2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi kẽ lá. Đối với các loại rau củ, trái cây, để nguyên củ, rửa sạch trước khi gọt vỏ. Các loại rau quả phải ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút, rửa ít nhất 3 lần dưới vòi nước để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư.
Một điểm cần lưu ý là khi rửa rau quả, nhất là các loại rau ăn lá tuyệt đối không được vò, làm rau rập nát. Một số người có quan niệm rằng, rửa rau thật mạnh sẽ rũ bỏ hết bụi bẩn và những thứ độc hại bám vào rau. Thế nhưng, hành động đó vô tình khiến rau dập nát, hậu quả, các chất độc hại dễ dàng ngấm vào trong rau củ quả và người ăn sẽ ăn luôn cả các chất độc hại.
Khi chế biến, rau cần được nấu chín và mở vung khi nấu cũng là cách tốt để loại trừ phần lớn dư lượng hoá chất thực vật còn sót lại qua đường bay hơi.
TS. Hoàng Kim Thanh cũng lưu ý, người tiêu dùng nên sử dụng đa dạng các loại rau củ trong từng bữa ăn hàng ngày để tránh ngộ độc vì ăn quá nhiều một loại rau và để đảm bảo cân bằng nhu cầu dinh dưỡng. Rau củ khi đã nấu chín nên sử dụng hết trong bữa ăn, tránh trường hợp nấu lại nhiều lần khiến rau bị nẫu và không đảm bảo an toàn.
Về bảo quản rau củ, việc dự trữ rau củ trong tủ lạnh đúng cách sẽ giúp bảo quản chúng được lâu, đồng thời cũng không làm mất đi chất dinh dưỡng. Do vậy, tủ lạnh cần được sắp xếp một ngăn riêng để bảo quản rau củ, không để chung rau củ với những thực phẩm chế biến sẵn để phòng nhiễm chéo. Các loại rau củ cần được sơ chế sạch, bọc vào túi nilon hoặc túi giấy rồi mới trữ trong tủ lạnh để tránh cho rau nhanh bị héo. Thời gian bảo quản rau củ cũng chỉ nên kéo dài tối đa 4 ngày trở lại.
PV