Vừa qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức “ Lễ công bố các sự kiện du lịch Gia Lai năm 2017”. Tại buổi lễ đã công bố Top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Gia Lai năm 2017 do Tổ chức kỷ lục Việt Nam - Vietkings xác nhận với những nét đẹp riêng, hoang sơ vốn có của vùng đất thiên nhiên núi rừng hùng vĩ này. 

Núi lửa Chư Đăng Ya

Đứng đầu danh sách là ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, thuộc xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm Phố núi Pleiku khoảng 30km về phía Đông Bắc. Chư Đăng Ya theo tiếng Jrai có nghĩa là củ gừng dai. Đây là ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, miệng núi lửa có hình phễu. Núi lửa Chư Đăng Ya nằm ẩn mình giữa rừng xanh, đại ngàn hùng vĩ, được bao phủ bởi màu xanh bạt ngàn của những ruộng khoai lang, khoai môn, cây dong riềng… Cây trồng ở đây xanh tốt bốn mùa, mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng. Điểm nhấn cho ngọn núi chính là sự hòa quyện của những loài hoa, cỏ dại. Đến mùa khô, những đóa dã quỳ vàng ươm, rạng rỡ dưới ánh mặt trời bung nở trên sườn núi làm mê mẩn bất cứ ai đặt chân đến nơi này..

Biển Hồ (Hồ Tơ Nưng)

Danh thắng Biển Hồ (hay còn gọi là hồ Ea Nueng, hồ Tơ Nưng), cách trung tâm thành phố Pleiku 7 km về phía Tây Bắc. Được mệnh danh là “ Đôi mắt Pleiku”, Biển Hồ nguyên là miệng núi lửa đã ngưng hoạt động hàng triệu năm, có hình bầu dục. Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông xanh ngắt. Cuối con đường, du khách sẽ được ngắm toàn cảnh Biển Hồ thơ mộng khi vào nhà vọng gió được xây trên một đồi cao ăn ra lòng hồ, phía xa xa là những quả đồi đất đỏ badan, những đồi chè, những đồi cà phê trĩu quả. Nhìn xung quanh là những cánh rừng bạt ngàn, những ngọn đồi uốn lượn trập trùng. Nước hồ quanh năm đầy ắp, xanh trong có thể nhìn rõ từng đàn cá bơi lội dưới nước. Biển Hồ đã được cấp bằng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 1988. Với nét quyến rũ, hoang sơ vốn có, Biển Hồ thật khiến bao con tim phải thổn thức, say mê.

Những sản phẩm tạo nên thương hiệu du lịch Gia Lai - Hình 1

Danh thắng Biển Hồ (Ảnh: Phan Nguyên)

Quảng trường Đại Đoàn Kết

Quảng trường Đại Đoàn Kết nằm ngay trung tâm thành phố Pleiku với khuôn viên rộng lớn 12 ha. Đây là công trình được trung tâm sách kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận đạt 3 kỷ lục Việt Nam đó là Tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam, bức phù điêu bằng đá lớn nhất Việt Nam và dàn Cồng Chiêng bằng đồng lớn nhất Việt Nam.  

Quảng trường Đại Đoàn Kết được xem là trái tim, đồng thời là điểm nhấn về kiến trúc đô thị của người dân Phố núi Pleiku nói riêng và niềm tự hào của người dân Gia Lai nói chung, quan trọng hơn là một công trình có ý nghĩa đặc biệt về chính trị văn hóa. Quảng trường là nơi hội tụ và kết tinh văn hóa Tây Nguyên, không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Gia Lai, mà của cả Tây Nguyên. Quảng trường Đại Đoàn kết đã và đang là điểm đến hết sức ý nghĩa và hấp dẫn đối với nhiều người trong và ngoài tỉnh.

Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Bảo tàng tỉnh Gia Lai nằm bên cạnh Quảng trường Đại Đoàn Kết, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc Bahnar và Jrai. Bảo tàng tỉnh giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Không những thế, đây còn là nơi ghi dấu lại tiến trình lịch sử, các sự kiện trọng đại trong hành trình hình thành và phát triển của tỉnh nhà. Gia Lai được biết đến là tỉnh còn bảo lưu nhiều yếu tố văn hóa truyền thống mà ít nơi nào trên đất nước ta có được; đồng thời đây cũng là vùng đất quê hương cách mạng. Sự phong phú đó được thể hiện qua các tài liệu hiện vật và hình ảnh mà Bảo tàng Gia Lai đã sưu tầm trong suốt 20 năm qua. Hiện nay, Bảo tàng tỉnh lưu giữ gần 7.000 đầu hiện vật. Bên cạnh các trưng bày cố định, thời gian qua Bảo tàng Gia Lai luôn tổ chức các triển lãm chuyên đề nhân kỷ niệm các sự kiện, ngày lễ lớn của tỉnh nhà và đất nước được đông đảo quần chúng nhân dân đón nhận. Không những thế, Bảo tàng Gia Lai còn phối hợp với Bảo tàng Trung ương, địa phương khác và các địa phương trong tỉnh tổ chức các buổi trưng bày, triển lãm lưu động nhằm giao lưu, học hỏi và giới thiệu đặc trưng văn hóa Gia Lai đến với quần chúng nhân dân.

Những sản phẩm tạo nên thương hiệu du lịch Gia Lai - Hình 2

Thủy điện Ia Ly

Cùng trong các điểm đến được ghi danh, Thủy điện Ia Ly được xây dựng trên dòng sông Sê San, cách thành phố Pleiku 30 km thuộc địa phận xã Ia Ly, huyện Chư Păh là nhà máy có quy mô lớn nhất miền Trung Tây Nguyên. Thủy điện Ia Ly được thiết kế, xây dựng với kiến trúc đẹp, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình với nhiều hạng mục như đập tràn xã lũ, đạp nước, đài tưởng niệm, cửa nhận nước, nhà máy ngầm với 4 tổ máy nằm dưới mặt đất gần 300 mét, thu hút đông đảo khách du lịch khi đến với Gia Lai.

Nhà lao Pleiku

Nhà lao Pleiku là một di tích lịch sử ghi dấu cuộc đấu tranh quật cường của nhân dân Tây Nguyên giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ, chính quyền Sài Gòn vẫn sử dụng nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị. Bất chấp hoàn cảnh ngặt nghèo, các chiến sĩ cách mạng bị giam giữ vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, tiếp tục tham gia các phong trào đấu tranh trong nhà lao. Sau năm 1975, chính quyền địa phương đã gìn giữ nhà lao làm một nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Một số hạng mục của nhà lao đã được đầu tư để cải tạo. Năm 1994, Nhà lao Pleiku đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG

Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal JMG thuộc xã Chư HDrông, thành phố Pleiku. Học viện có qui mô mang tầm cỡ quốc tế, một điểm đến hấp dẫn du khách thập phương. Việc kết hợp giữa đào tạo bóng đá và phát triển du lịch sẽ là một điểm mới vô cùng hấp dẫn và trở thành niềm tự hào của người dân Phố núi. Tại đây, du khách sẽ được tham quan và nghỉ dưỡng xung quanh khuôn viên xanh của học viện, được tham gia tập luyện đá bóng, được trực tiếp trải nghiệm và giao lưu với các cầu thủ nổi tiếng qua tour “Một ngày làm học viên Học viện Hoàng Anh Gia Lai”.

Di tích lịch sử văn hóa Làng kháng chiến Stơr

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp nằm tại Làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, là một hạng mục trong tổng thể quy hoạch khu di tích lịch sử làng kháng chiến Stơr. Nơi đây được mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống Bahnar lưu giữ những kỷ vật, tư liệu về hình ảnh, cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của Anh Hùng Núp. Làng Stơr và Anh hùng Núp đã trở thành tượng trưng của Đất nước đứng lên mà tiếng vang còn vòng tới tận Tây Bán cầu. Làng Stơr là nơi anh hùng Núp được sinh ra và lớn lên, tại đây anh Núp đã phát động và lãnh đạo bà con dân làng đứng lên đánh Pháp, mô hình làng kháng chiến từ chiến trường Gia Lai ra đời.

Những sản phẩm tạo nên thương hiệu du lịch Gia Lai - Hình 3

Thác Phú Cường

Được mệnh danh là ngọn thác đẹp nhất Gia Lai, Thác Phú Cường thuộc địa phận xã Yun, huyện Chư Sê, cách thành phố Pleiku 45 km về phía Tây Nam, từ lâu đã được nhiều người dân địa phương lẫn du khách gần xa chọn làm điểm đến dã ngoại, vui chơi ưa thích, nhất là vào các tháng mùa hè oi ả hay những dịp lễ tết hàng năm. Thác Phú Cường được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp tự nhiên của dòng thác nổi tiếng nhất tỉnh nhà với thảm thực vật xanh tốt quanh năm. Vẻ đẹp thác Phú Cường còn cuốn hút ở chỗ, nhờ lượng hơi nước lớn kết hợp với những tia nắng vàng chiếu qua khe đá, mà dải cầu vồng huyền ảo thường xuyên xuất hiện. Đến đây, du khách sẽ có dịp thưởng ngoạn vẻ hùng tráng của ngọn thác, tô điểm thêm sắc màu thơ mộng của cầu vồng, và tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ.

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh

Cuối cùng trong danh sách là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh cách thành phố Pleiku 50 km về phía Đông Bắc, thuộc các huyện Đak Đoa, Mang Yang, KBang. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh được mệnh danh là “nóc nhà của tỉnh Gia Lai”, nơi đây không chỉ được biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, mà còn là điểm du lịch sinh thái lý tưởng thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Không chỉ là báu vật của Việt Nam, Kon Ka Kinh còn được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường các nước Đông Nam Á công nhân là Vườn Di sản ASEAN. Do đặc điểm đa dạng về địa hình, độ cao, khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều nhân tố khác nên vườn quốc gia Kon Ka Kinh có nguồn động thực vật phong phú, đa dạng về thành phần và chủng loại. Không chỉ đa dạng về hệ động thực vật rừng, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn hấp dẫn giới nghiên cứu, khách du lịch bởi hệ thống sông, suối, thác… Điển hình là những ngọn thác như: Đak Pooc, Đak Kơ Bưng… Đặc biệt, với độ cao 1.748m, đỉnh Kon Ka Kinh- đỉnh cao nhất Gia Lai, quanh năm mây mù vừa mời gọi vừa thách thức sự khám phá của con người.

Điểm du lịch địa phương

Ngoài Top 10 điểm đến được tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn, 3 điểm đến du lịch của tỉnh Gia Lai gồm: Công viên văn hóa Đồng Xanh, Nhà máy Thủy điện Ia Ly, Khu du lịch sinh thái Hoàng Vân là những địa chỉ du lịch sinh thái, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã và dang thu hút được nhiều du khách trong khu vực Tây Nguyên, du khách trong nước và quốc tế khi đến tham quan Gia Lai. Mỗi điểm du lịch là mỗi vẻ đẹp, mỗi giá trị văn hóa kinh tế với những thế mạnh riêng. Song đều đang góp phần làm phong phú hơn các địa chỉ du lịch, quảng bá thêm về du lịch Gia Lai trong từng hoạt động của mình trong thời gian qua.

Đây chính là những sản phẩm tạo nên thương hiệu của du lịch Gia Lai, với hình ảnh một Gia Lai vừa hoang sơ nhưng không kém phần quyến rũ, vừa mang giá trị lịch sử nhưng cũng không kém phần hiện đại. Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Nguyên lần thứ I năm 2017  sẽ được tổ chức vào tháng 11/2017, với sự tham gia của 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng là dịp để Gia Lai giới thiệu, quảng bá về ẩm thực cũng như quảng bá du lịch tỉnh nhà được rộng rãi hơn.

Kim Yến