Trên dữ liệu của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, có hai mẫu xe mang thương hiệu Chery đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Một là mẫu crossover với thiết kế khá giống dòng Tiggo 3X Plus (phân khúc A+/B-) với động cơ 1 lít và 1,5 lít.

Mẫu còn lại thuộc dòng sedan. Dựa trên bản vẽ đăng ký kiểu dáng, mẫu sedan nhiều khả năng là chiếc sedan Arrizo 6. Dù đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nhưng không đồng nghĩa hai mẫu xe này chắc chắn bán tại Việt Nam. Bởi đăng ký kiểu dáng là hành động của các hãng nhằm bảo vệ, tránh đối thủ đạo, nhái thiết kế chứ không bắt buộc phải bán ra thị trường.

Xe điện eQ1 với biệt danh
Xe điện eQ1 với biệt danh "con kiến nhỏ" của Chery giá khoảng 8.700 USD tại Trung Quốc (Ảnh: Chery)

Chery Automotive là hãng xe hơi thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, thành lập năm 1997, trụ sở hiện nay đặt tại Vũ Hồ, tỉnh An Huy. Từ 2003 đến nay, Chery giữ vị trí 18 năm liên tiếp là hãng xuất khẩu ôtô lớn nhất Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, hãng này hoạt động mạnh ở các thị trường như Nam Mỹ, Đông Âu, và châu Phi. Chery là đối tác sản xuất, lắp ráp xe Jaguar - Land Rover tại thị trường Trung Quốc với cổ phần hai bên chia đều 50:50.

Riêng Chery, hãng sản xuất đa dạng các dòng xe dùng động cơ đốt trong lẫn xe điện. Chery hiện có Tiggo, Exeed ở phân khúc CUV/SUV, Arrizo phân khúc sedan. Xe điện Chery cung cấp nhiều lựa chọn khác nhau tử nhỏ đến lớn như eQ1, Tiggo 2e, Tiggo e, Arrizo e, @Ant. Tất cả các sản phẩm xe điện đều có tầm hoạt động trên 300 km.

Chery từng xuất hiện tại Việt Nam hồi 2009 thông qua hợp tác với Liên doanh ôtô Hòa Bình (VMC). Sản phẩm đầu tiên, chiếc QQ3 lắp ráp trong nước giá 9.900 USD. Một năm sau, hãng ra mắt chiếc xe định vị "cao cấp" Riich M1 giá 288 triệu đồng. Sự biến mất của Chery nằm trong sự thoái trào chung của xe hơi Trung Quốc tại Việt Nam khi các đối thủ Nhật, Hàn, Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng.

Thiết kế mẫu Tiggo 3X Plus
Thiết kế mẫu Tiggo 3X Plus (Ảnh: Chery)

Hai năm gần đây, xe Trung Quốc tạo hiệu ứng trở lại tại Việt Nam khi một số doanh nghiệp phía bắc nhập về nhiều dòng xe thiết kế hiện đại, nhiều tiện nghi nhưng giá thấp hơn các đối thủ cùng phân khúc. Ví dụ như Beijing X7, BAIC X5, Brilliance V7, Zotye Z8...

Bên cạnh chất lượng và tính bền bỉ chưa tạo được dấu ấn lớn và cần thêm thời gian kiểm chứng, hệ thống showroom, bảo dưỡng khá ít là những trở ngại cho xe Trung Quốc tại Việt Nam. Các hãng xe Trung Quốc có thể thâm nhập Việt Nam thời gian tới bằng việc cạnh tranh ở mảng xe điện, nơi thị trường còn sơ khai, nhiều tiềm năng và mới chỉ có VinFast đi đầu.

Trung Nguyễn