Ủy ban Giám sát chung cấp bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ đã họp trực tuyến vào thứ Tư (ngày 3/4) để xem xét thị trường và việc thực hiện cắt giảm sản lượng của các quốc gia thành viên.
Giá dầu thô toàn cầu đã tăng khoảng 16% trong năm nay, lên gần 90 USD/thùng do nguồn cung thắt chặt hơn, hoạt động vận chuyển bị gián đoạn và các cuộc tấn công của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga.
Có những dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang phục hồi ở châu Á, trong khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết rằng, việc cắt giảm lãi suất của Mỹ vẫn có khả năng xảy ra trong năm nay, mặc dù ngân hàng trung ương đang chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn về lạm phát thấp hơn.
Ole Hansen, nhà phân tích của Ngân hàng Saxo cho biết: “OPEC+ quyết định tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu trong nửa đầu năm, giữ thị trường toàn cầu thắt chặt và có khả năng đẩy giá lên cao hơn”.
Các thành viên OPEC+ vào tháng trước đã đồng ý gia hạn mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 6 để hỗ trợ thị trường.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, OPEC+ ghi nhận “sự tuân thủ cao” của các quốc gia thành viên với cam kết cắt giảm sản lượng dầu, mặc dù họ cho biết một số quốc gia đã cam kết sẽ cải thiện việc tuân thủ và báo cáo tiến độ.
Tuyên bố cho biết, hội đồng hoan nghênh các cam kết từ Iraq và Kazakhstan trong việc đạt được sự tuân thủ đầy đủ cũng như bù đắp cho tình trạng sản xuất thừa và thông báo của Nga rằng việc cắt giảm trong quý II sẽ dựa trên sản xuất chứ không phải xuất khẩu.
“Các quốc gia tham gia có khối lượng sản xuất thừa vượt mức trong các tháng 1, tháng 2 và tháng 3/2024 sẽ gửi kế hoạch bồi thường chi tiết tới Ban thư ký OPEC trước ngày 30/4/2024”, tuyên bố cho biết.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, Nga hoàn toàn tuân thủ các cam kết giảm nguồn cung dầu như một phần của thỏa thuận OPEC+.
Theo dữ liệu từ S&P Commodity Insights, OPEC+ đã sản xuất quá mức ròng là 275.000 thùng/ngày trong tháng 1 và 175.000 thùng/ngày trong tháng 2. Trong đó, Gabon, Iraq và Kazakhstan là những thành viên chính sản xuất vượt hạn ngạch trong hai tháng này.
Iraq tháng trước đã cam kết giảm xuất khẩu để bù đắp cho sản lượng vượt mục tiêu của OPEC+, cam kết sẽ cắt giảm xuất khẩu 130.000 thùng/ngày từ tháng 2.
Khi các biện pháp hạn chế tự nguyện hết hạn vào cuối tháng 6, tổng mức cắt giảm của OPEC+ sẽ giảm xuống còn 3,66 triệu thùng/ngày như đã thỏa thuận trước đó.
Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ Banking Group cho biết: “Trong hai hoặc ba tháng tới, tôi dự kiến sản lượng của OPEC+ sẽ giảm hơn nữa. Các thành viên bước ra khỏi cuộc họp của OPEC+ đã nói về việc tuân thủ các hạn ngạch đó chặt chẽ hơn rất nhiều”.
Hội đồng đã lên lịch cuộc họp tiếp theo vào ngày 1/6, cùng ngày với cuộc họp đầy đủ tiếp theo của OPEC+ để quyết định chính sách.
Hà Trần(t/h)