Công ty luôn tích cực tìm tòi và nghiên cứu những sáng kiến để nâng cao hiệu quả sản xuất và gắn với lợi ích của khách hàng.
Những sáng kiến trong chuyển đổi số áp dụng thiết thực vào sản xuất kinh doanh
Xuất phát từ nhu cầu sử dụng điện liên tục, ổn định và kịp thời của khách hàng, PC Hưng Yên đã ra mắt hàng chục ý tưởng, đề tài nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn các cấp đạt hiệu quả cao. Từ năm 2020 đến nay, PC Hưng Yên có 96 đề tài cấp Công ty; 9 đề tài sáng kiến và 5 đề tài khoa học được công nhận cấp Tổng Công ty; 1 đề tài sáng kiến cấp EVN.
Sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo và ứng dụng trạm biến áp phân phối lưu động” của PC Hưng Yên được Tập đoàn Điện lực Việt Nam công nhận là Đề tài Khoa học công nghệ của năm 2022. Giữa năm 2023, PC Hưng Yên đã áp dụng đề tài trên vào thực tiễn thông qua việc lắp đặt thành công 2 trạm biến áp phân phối lưu động, với công suất mỗi trạm biến áp đạt 630kVA.
Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội so với các trạm biến áp truyền thống như: Dễ dàng lắp ráp và tháo rời, giúp linh hoạt trong việc thay thế để phù hợp với nhu cầu phụ tải, tối ưu tổn thất điện năng cũng như chi phí vận hành. Khi đi vào hoạt động, mỗi trạm biến áp trên có thể cấp điện liên tục trong thời gian dài cho trên 500 khách hàng, tương ứng sản lượng trên 200.000kWh/tháng/trạm biến áp.
Giai đoạn 2020-2024, cán bộ công nhân PC Hưng Yên cho ra mắt nghiên cứu ứng dụng công nghệ đo PD online (Đề tài KHCN năm 2020), để chẩn đoán tình trạng vận hành của cáp lực trung thế nhằm phát hiện và khắc phục kịp thời khiếm khuyết cáp ngầm… Ứng dụng công nghệ đo PD online còn là tài liệu khoa học quan trọng để các đơn vị trực thuộc EVNNPC có thể áp dụng, giảm sự cố lưới điện hiệu quả.
Năm 2023, PC Hưng Yên tiếp tục được EVN công nhận sáng kiến cấp Tập đoàn với “Phần mềm tự động tách file scan phụ lục hợp đồng theo mã khách hàng”. Sáng kiến áp dụng kỹ thuật nhận diện nội dung ký tự bằng quang học từ ảnh scan phụ lục hợp đồng, đưa file PDF lên máy chủ EVNNPC bằng FTP của tài khoản được cung cấp. Sáng kiến góp phần nâng cao năng suất lao động, rút ngắn thời gian thực hiện triển khai công tác thay đổi lịch ghi chỉ số, khắc phục việc đặt tên sai tập tin PDF dẫn tới không đúng hồ sơ khi gắn lên CMIS.
Ông Nguyễn Đức Thông - Trưởng phòng Viễn thông và Công nghệ thông tin PC Hưng Yên cho biết: “PC Hưng Yên đang tiếp tục không ngừng đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào công tác chuyển đổi số nhằm áp dụng vào mọi mặt SXKD của Công ty với những công nghệ mới nhất liên quan đến CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Big Data, công nghệ đám mây... đồng thời tiếp tục nghiên cứu đưa ra các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, dữ liệu của khách hàng một cách hiệu quả”.
Chuyển đổi số gắn với lợi ích khách hàng
Thực hiện lộ trình chuyển đổi số và hiện đại hóa lưới điện thông minh, trong những năm gần đây, Công ty Điện lực Hưng Yên đã tích cực triển khai nhiều biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong công tác quản lý vận hành lưới điện và kinh doanh dịch vụ. Đến tháng 9/2024, PC Hưng Yên đang quản lý trên 479.482 khách hàng.
Ông Trương Công Diệm - Giám đốc PC Hưng Yên cho biết: “Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số và 6 tổ công tác triển khai các nhiệm vụ kế hoạch. Trong đó tập trung 8 nội dung định hướng của Tổng Công ty và 1 nội dung “Công tác đổi mới sáng tạo” do PC Hưng Yên bổ sung để khích lệ động viên CBCNV đổi mới về nhận thức, sáng tạo trong công việc”.
Bên cạnh việc triển khai đúng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, PC Hưng Yên cũng chủ động xây dựng, triển khai các phần mềm dùng riêng mang lại hiệu quả cao trong SXKD như: Triển khai phần mềm ký số biên bản thí nghiệm, Quản lý công cụ phục vụ sản xuất kinh doanh bằng QRCode, theo dõi công tác thanh toán xăng dầu xe công tác, theo dõi chấm công, thu thập chuẩn hóa thông tin cột điện/khách hàng … Đây là bước tiến quan trọng trong việc số hóa các quy trình nghiệp vụ, đảm bảo tính minh bạch và nhanh chóng trong quá trình xử lý tài liệu, thông tin.
Trong nhiệm vụ tương tác trên không gian số, 100% dịch vụ điện cung cấp trực tuyến, kết nối trực tiếp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Hệ thống hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế; ngân hàng, ví điện tử, Mobile Money; Trung tâm hành chính công và cổng dịch vụ công các tỉnh, thành phố…
Lũy kế khách hàng tham gia thanh toán tiền điện qua ngân hàng và các tổ chức trung gian trong năm 2024 của PC Hưng Yên là 3.230.683 lượt, đạt 99,29%; 100% hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn giấy và các thông báo được gửi tới khách hàng qua hình thức zalo, SMS nhanh chóng và chính xác.
Để nâng cao độ chính xác trong hệ thống đo đếm điện năng thông qua triển khai lắp đặt hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử từ xa, đến tháng 9/2024, PC Hưng Yên đã thay thế được trên 412.274 công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử, trong đó tỷ lệ công tơ thu thập tự động bằng DCU luôn đạt và vượt chỉ tiêu Tổng công ty giao (~ 98%).
Thông qua app CSKH, các chủ doanh nghiệp dễ dàng theo dõi được thông số kỹ thuật, sản lượng điện tiêu thụ hàng ngày, từ đó chủ động điều chỉnh lượng điện tiêu thụ trong ngày theo kế hoạch. "Với lĩnh vực kinh doanh sắt thép, mỗi năm công ty tiêu thụ lượng điện từ 3 - 4 triệu KWh. Được sự tư vấn từ nhân viên điện lực cùng các dịch vụ hiện đại hóa hệ thống đo đếm, Công ty đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, chuyển dịch một số hoạt động trong giờ cao điểm vào ban đêm… qua đó tiết kiệm hàng tỷ đồng tiền điện mỗi năm”, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Ngọc, ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên chia sẻ.
Tiếp tục mục tiêu không ngừng nâng cao sự hài lòng của khách hàng, hướng đến trở thành doanh nghiệp số, PC Hưng Yên còn đẩy mạnh chuyển đổi số bằng việc ứng dụng hiệu quả nhiều phần mềm khác trong quản lý kỹ thuật - vận hành lưới điện như: Chương trình quản lý bản đồ lưới điện (GIS); quản lý nguồn điện và lưới điện (PMIS); chương trình tính toán mô phỏng lưới điện PSS/ADEPT 5.0; Phần mềm quản lý mất điện (OMS)…
Năm 2024, Công ty Điện lực Hưng Yên đã hoàn tất việc triển khai kết nối SCADA tại 100% các trạm biến áp 110kV vận hành với tiêu chí không người trực; toàn bộ thiết bị trung thế gồm 38/89 mạch trung áp và 477 thiết bị đóng cắt (Recloser/LBS/RMU) trên lưới điện trung áp được kết nối với Trung tâm điều khiển– Phòng Điều độ Công ty sẵn sàng khai thác thông số vận hành và đóng/cắt từ xa.
Để đạt được mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, PC Hưng Yên cũng đang tập trung vào công tác đào tạo, nâng cao nhận thức, phát triển doanh nghiệp số cho toàn thể người lao động để từng bước chuyển đổi tư duy, tận dụng sức mạnh của công nghệ, gia tăng hiệu quả hoạt động SXKD, đáp ứng và nâng cao sự hài lòng cho khách hàng.
Minh Anh(t/h)