Với mục tiêu được cụ thể hóa bằng khẩu hiệu “trở về nhà an toàn sau mỗi ngày làm việc”, Công ty đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền nhận diện rủi ro khi tham gia giao thông, để từ đó mỗi CBCNV-NLĐ chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân.

Theo thống kê số vụ tai nạn giao thông trong quá trình làm việc của ngành điện từ 2017 đến 2022 là 237 vụ, làm chết 38 người và 186 người bị thương. Hầu hết tai nạn đều xảy ra vào buổi chiều và tối, tức là sau khi thực hiện công việc. Với sự mệt mỏi về thể chất, phân tâm, hoặc sử dụng chất kích thích khi tham gia giao thông đã khiến cho người tham gia giao thông không chủ động và xử lý kịp thời các tình huống trên đường giao thông.

Điều này, đã để lại nhiều hậu quả cho bản thân, đồng nghiệp và đơn vị. Mặt khác, nhiều chuyên gia nhận định, việc phòng tránh tai nạn giao thông không khó. Bởi nếu như cách nhận biết các mối nguy và nắm chắc các biện pháp chủ động phòng ngừa thì mỗi người tham gia giao thông sẽ phòng tránh được tai nạn.

Cũng như các doanh nghiệp khác, tại PC Quảng Ninh, mỗi CBCNV-NLĐ đều phải tham gia giao thông để phục vụ cho công việc của mình, như: Đi từ nhà đến nơi làm việc/hiện trường làm việc; di chuyển trên đường giao thông từ nơi làm việc này đến nơi làm việc khác; hoặc khi hoàn thành nhiệm vụ được giao tại nơi làm việc/hiện trường làm việc, người lao động trở về nhà nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động.

1 CBCNV PC Quảng Ninh luôn đề cao ý thức trong việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông
CBCNV PC Quảng Ninh luôn đề cao ý thức trong việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông

Trước những tiềm ẩn khi tham gia giao thông đối với mỗi người, vậy nên vấn đề an toàn giao thông luôn được Công ty tập trung tuyên truyền, giáo dục. Đặc biệt, PC Quảng Ninh còn đưa nội dung tham gia giao thông an toàn vào trong các bài giảng tập huấn về an toàn của đơn vị; phổ biến các kiến thức an toàn giao thông tại một số các cuộc họp; trao đổi thường xuyên luật tham gia giao thông tại các đơn vị để mỗi người có thể nâng cao, cũng như nhận thức rõ các rủi ro tiềm ẩn khi tham gia giao thông; qua đó, chủ động có những biện pháp kiểm soát, loại bỏ rủi ro, đảm bảo an toàn cho chính mình, cho cộng đồng và hoàn thành công việc nghề nghiệp của mình.

Cũng chính từ những hoạt động đó, đã và đang dần hình thành nên văn hóa an toàn giao thông đối với mỗi CBCNV-NLĐ ngành điện Quảng Ninh.

2 Hành trang của người thợ điện trên đường đi thực hiện nhiệm vụ
Hành trang của người thợ điện trên đường đi thực hiện nhiệm vụ

Đến nay, mỗi CBCNV-NLĐ trong Công ty luôn đề cao ý thức trong việc chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, như:

Có kỹ năng quan sát, đi đúng làn đường, phần đường; tuân thủ quy định về tốc độ, dừng đỗ xe đúng quy định; đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, cũng như quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông;

Tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, phương tiện bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

Tự giác chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, kể cả khi không có lực lượng tuần tra kiểm soát trên đường; không thực hiện các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm cho mình và cộng đồng; thực hiện các quy định, nội quy tại bến xe, bến tàu, bến phà và trên các phương tiện giao thông công cộng…

Nhờ kiến thức pháp luật được nâng cao, kết hợp với ý thức chấp hành tốt khi tham gia giao thông nên nhiều năm qua, không có CBCNV-NLĐ nào thuộc PC Quảng Ninh để xảy ra tai nạn.

Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh cách hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ý thức tham gia giao thông của PC Quảng Ninh đối với mỗi CBCNV-NLĐ đã và đang mang lại nhiều hiệu quả to lớn, có đóng góp tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Tham gia giao thông an toàn - đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm an toàn giao thông, mang lại hạnh phúc cho chính mình và cho cộng đồng xã hội.

Ngọc Lan