Ông Phạm Tân Tiến, Đội trưởng Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế Sơn La (PC Sơn La) cho biết: Tháng 12/2018, Công ty Điện lực Sơn La tiếp nhận hệ thống lưới điện 110kV từ Công ty lưới điện cao thế Miền Bắc. Hiện, đơn vị có 2 tổ quản lý đường dây 110 kV tại huyện Mộc Châu và thành phố Sơn La; 06 tổ thao tác lưu động trạm 110 kV Thành phố, Thuận Châu, Mường La, Phù Yên, Mộc Châu, Sông Mã và 1 tổ kỹ thuật. Khối lượng quản lý vận hành gồm 19 lộ đường dây 110 kV, tổng chiều dài trên 546 km; trong đó hơn 85 km mạch kép, 461 km mạch đơn; 6 trạm biến áp 110 kV, tổng công suất 283 MVA.
Với đặc thù khối lượng quản lý trên địa bàn rộng, có nhiều lộ đường dây dài, địa hình phức tạp, nhiều tuyến đường dây chủ yếu phục vụ cho các thủy điện nhỏ phát lên lưới điện quốc gia. Các trạm 110 kV không tập trung, khoảng cách giữa các trạm cách xa nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bố trí lực lượng công nhân trực thao tác quản lý vận hành. Đơn vị đã phân công cho các tổ trưởng có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi cập nhật số liệu trên phần mềm chuyển đổi số đối với các trạm 110 kV; cập nhật công tác kiểm tra định kỳ đường dây 110 kV trên phần mềm, tổng hợp các tồn tại, khiếm khuyết, giao cho đầu mối là tổ kỹ thuật theo dõi và đôn đốc xử lý.
Hàng tháng, các tổ quản lý đường dây và các tổ thao tác lưu động lập kế hoạch kiểm tra định kỳ các lộ đường dây, trạm 110 kV, kịp thời phát hiện các lộ đường dây thường xuyên mang tải cao và các tồn tại khiếm khuyết, như vỡ sứ cách điện, đứt cờ tiếp địa, cờ tiếp địa han gỉ, sứ cách điện bẩn, hư hỏng tạ chống rung… để đăng ký cắt điện xử lý kết hợp theo lịch cắt điện thi công trên đường dây.
Đồng thời, tổ kỹ thuật phối hợp với các tổ thao tác lưu động, tổ đường dây lập kế hoạch và triển khai thực hiện kiểm tra định kỳ thiết bị các thiết bị trạm và đường dây; kiểm tra phát nhiệt mối tiếp xúc các thiết bị trạm, kiểm tra phóng điện cục bộ các tủ hợp bộ trung áp, đầu cáp ngoài trời; kiểm tra đo dung lượng ắc quy định kỳ thực hiện phóng nạp, có biên bản đánh giá các tồn tại cần khắc phục và lưu ý theo dõi trong vận hành.
Bên cạnh đó, Đội luôn bám sát và thực hiện đầy đủ quy trình vận hành lưới điện 110 kV; đặc biệt là sử dụng camera nhiệt, flycam, máy phóng điện cục bộ để theo dõi tình trạng hoạt động của thiết bị. Qua đó phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các sự cố hệ thống lưới điện. Tính riêng năm 2021, đã dùng camera nhiệt kiểm tra tại 06 trạm 110 kV, kiểm tra 1.520 điểm của 05 lộ đường dây thường xuyên mang tải cao. Trong đó, phát hiện và xử lý phát nhiệt 14 điểm tại trạm 110 kV Mộc Châu, Thành phố, Mường La và Thuận Châu.
Hiện nay, tại Công ty Điện lực Sơn La đã ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong quản lý vận hành lưới điện, 100% các TBA 110 kV đã được ứng dụng công nghệ Scada-DMS, giám sát điều khiển xa 6/6 TBA 110 kV; kết nối điều khiển tại Trung tâm điều khiển 13 máy cắt, 52 cầu dao phụ tải; ứng dụng Phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng vận hành của thiết bị (CBM) cho hệ thồng nguồn lưới điện; đang triển khai lưới điện thông minh SCADA/DMS cho lưới điện trung thế khu vực thành phố, các ứng dụng các phần mềm PMIS, quản lý MBA, OMS… Trong quản lý vận hành, đang phát triển và thử nghiệm phần mềm số hóa quản lý vận hành lưới điện hạ thế; Dự án xây dựng hệ thống quản lý lưới điện trên bản đồ; Dự án kho dữ liệu tập trung; Số hóa quy trình giai đoạn 2...
Anh Phạm Quang Thụ, Đội phó phụ trách trạm kiêm Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động trạm 110 kV Mường La, thông tin: Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước tự động hóa và hiện đại hóa công tác vận hành, quản lý hệ thống là một đòi hỏi cấp thiết của ngành điện. Với mục tiêu giảm số người trực, nâng cao hiệu quả vận hành tại các trạm biến áp 110 kV, việc chuyển đổi số sử dụng các phần mềm như pmis, ECP, Doffice phần mềm quản lý kỹ thuật nguồn điện, lưới điện, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý kỹ thuật giúp các trạm vận hành an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí. Đặc biệt, hệ thống SCADA điều khiển - giám sát (từ xa), thu thập - xử lý dữ liệu, lưu trữ dữ liệu đi vào hoạt động giúp công tác quản lý vận hành đạt hiệu quả rõ rệt, giảm bớt việc ghi chép các thông số hàng ngày, chế độ báo cáo trực ca được thực hiện và lưu trên phần mềm quản lý, thao tác đóng cắt thiết bị từ trung tâm điều khiển xa, nên giảm được thời gian thao tác, từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện trên hệ thống. Đây là giải pháp tối ưu cho hệ thống điện, vì nó được quản lý vận hành tự động, bảo đảm độ chính xác của thiết bị, giải quyết được vấn đề quá tải; giảm thiểu sự cố do thao tác nhầm của người vận hành, nâng cao mức độ an toàn và đáp ứng được các yêu cầu về quản lý vận hành.
Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện chương trình 5S từ văn phòng ra lưới điện đã mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, vận hành của Đội. Không gian làm việc thoáng mát, sạch sẽ, hồ sơ tài liệu ngăn nắp, gọn gàng, các thiết bị được dễ dàng nhận biết giúp cho công tác quản lý vận hành, xử lý sự cố, nâng cao các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện. Từ năm 2019 đến nay, Đội đã chỉnh trang các trạm biến áp, vệ sinh hệ thống lưới điện 110 kV bảo đảm an toàn, sạch đẹp, giảm tổn thất điện năng; sắp xếp và vệ sinh nơi làm việc. Công tác 5S tại các tổ sản xuất đã được xây dựng phương án, kế hoạch cùng thực hiện đồng thời với việc triển khai thực hiện 5S trên hệ thống lưới điện. Tất cả cán bộ công nhân viên thực hiện nghiêm túc tạo nên sự thay đổi môi trường làm việc an toàn, góp phần tăng năng suất lao động, cải tiến các hoạt động quản lý chất lượng, hỗ trợ trực tiếp nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện 110 kV.
Để bảo đảm tiến độ chương trình chuyển đổi số năm 2022, hiện nay, Đội quản lý vận hành lưới điện cao thế đang tập trung hoàn thiện việc cập nhập số liệu, báo cáo trên phần mềm; tăng cường áp dụng công nghệ, kỹ thuật số vào quản lý vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lưới điện; xây dựng kế hoạch khắc phục các tồn tại ở từng bộ phận, đảm bảo vận hành an toàn, cấp điện ổn định trên địa bàn toàn tỉnh.
Ngọc Thuấn