Phát biểu tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đặng Văn Dũng cho biết, trong những năm qua công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nói chung và công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với hai mặt hàng thuốc lá và đường cát nói riêng luôn được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia quan tâm chỉ đạo, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, các lực lượng chức năng tích cực thực hiện và thu được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tăng thu ngân sách, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh kinh tế, trật tự, an toàn xã hội, quyền lợi, sức khỏe của người dân.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thuốc lá, đường cát vẫn còn diễn biến phức tạp, các đối tượng móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm.
Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá, đường cát hoạt động có tổ chức chặt chẽ, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây khó khăn trong phát hiện, bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng.
Hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng xã hội, chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính ngày càng phát triển, trong khi đa số lực lượng thực thi nhiệm vụ chưa được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn trong các khâu nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả liên quan phương thức này.
Báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho thấy, trong 8 tháng năm 2023, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép thuốc lá, đường cát diễn ra ở hầu hết các tuyến, địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố.
Đối tượng thường lợi dụng sự chênh lệch về giá thuốc lá, đường cát giữa thị trường các nước tiếp giáp Việt Nam với thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá điếu, đường cát trong nước để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép thuốc lá, đường cát trên khu vực biên giới và kinh doanh, tàng trữ thuốc lá, đường cát nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, không hóa đơn, chứng từ… tại địa bàn nội địa.
Tình trạng này đã gây thất thu ngân sách, đẩy hoạt động sản xuất thuốc lá, đường cát trong nước vào tình thế khó khăn, tác động tiêu cực đến đến thị trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Trong 8 tháng/2023, các lực lượng chức năng ở trung ương và các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 2.799 vụ vi phạm về mặt hàng thuốc lá; tịch thu hơn 3 triệu bao thuốc lá điếu, trên 31.000 sản phẩm thuốc lá điện tử; 3,1 tấn nguyên liệu thuốc lá. Các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trên 2.300vụ, 510 đối tượng, tổng số tiền phạt trên 20 tỷ đồng; xử lý hình sự 174 vụ, 189 bị can.
Đối với mặt hàng đường cát, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm với 111.994 đối tượng; tịch thu trên 680 tấn đường cát; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng, tổng số tiền phạt trên 900 triệu đồng; xử lý hình sự 3 vụ với 3 bị can.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, tỉnh Kiên Giang có đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia dài 49,7 km và hơn 200 km bờ biển, là cửa ngõ ở phía Tây Nam thông ra Vịnh Thái Lan với vùng biển rộng, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển giao thương kinh tế với các nước trong khu vực.
Cùng với sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại tỉnh Kiên Giang, đặc biệt vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và trên biển còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang đã triển khai các kế hoạch, chuyên đề, cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành làm thành viên Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn 28 và các lực lượng như: Hải quan, Quản lý thị trường, Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh.
Dự báo thời gian tới, một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa từ bỏ thói quen sử dụng thuốc lá ngoại; số người sử dụng thuốc lá điện tử có chiều hướng gia tăng; nhu cầu sử dụng đường cát trong sinh hoạt và trong sản xuất gia tăng; giá mặt hàng thuốc lá, đường cát ngoại thấp hơn giá sản phẩm thuốc lá, đường cát trong nước sẽ là những điều kiện thuận lợi cho đối tượng lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép thuốc lá, đường cát ngoại.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nhất là các văn bản chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá, đường cát; chủ động, phối hợp với các lực lượng thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhóm mặt hàng này...
Nguyễn Tùng - Lê Thanh