Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore (xếp hạng 17), Thái Lan (31), Malaysia (29), Indonesia (40); xếp trên Brunei (72), Philippines (75), Lào (97) và Campuchia (98).

Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35) đối với các nhóm chỉ số Sức cạnh tranh về giá (hạng 22), Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 29) và Tài nguyên tự nhiên (hạng 35). Các nhóm chỉ số thuộc nhóm thấp của thế giới (hạng 71-140) của Việt Nam bao gồm: Sự bền vững về môi trường (hạng 121), Hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 106), Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 100), Y tế và vệ sinh (hạng 91), Hạ tầng mặt đất và cảng (hạng 84) và Mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông (hạng 83). Các nhóm chỉ số ở nhóm trung bình của thế giới (hạng 36-70) bao gồm: Nhân lực và thị trường lao động (hạng 47), Hạ tầng hàng không (hạng 50), An toàn và an ninh (hạng 58), Mức độ mở cửa quốc tế (hạng 58) và Môi trường kinh doanh (hạng 67).

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Để cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, ngày 01/02/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và Quyết định số 1427/QĐ-BVHTTDL ngày 18/4/2019 về việc ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch; đã ban hành Tài liệu hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương để có cách hiểu đúng và thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo nhằm theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch; xây dựng báo cáo, đánh giá về nhu cầu tìm kiếm thông tin số về du lịch văn hóa, giải trí, du lịch thiên nhiên và chiến lược thương hiệu quốc gia.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành các giải pháp để tập trung cải thiện các điểm yếu; phát huy các điểm mạnh nổi trội; tiếp tục cải thiện các nhóm chỉ số quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến phát triển du lịch. Cụ thể, tập trung cải thiện cơ bản điểm yếu về hạ tầng dịch vụ du lịch và sự bền vững về môi trường. Tập trung nâng cao nhóm chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành du lịch về cơ chế, chính sách; đầu tư ngành du lịch; marketing và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch; thống kê du lịch và chiến lược thương hiệu quốc gia.

Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh nổi trội về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên, đặc biệt chú trọng đến yêu cầu phát triển bền vững.

Tiếp tục nâng cao nhóm chỉ số quan trọng về mức độ mở cửa quốc tế và hạ tầng hàng không, đặc biệt là năng lực vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa, đồng thời cải thiện chất lượng hạ tầng hàng không.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và thị trường lao động và mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy các hoạt động du lịch và đầu tư.

Hà Trần