Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Long An
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh Long An (Ảnh: KT)

Theo kế hoạch, giai đoạn 2024 – 2029, tỉnh Long An tập trung triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, thực hiện các bước cơ bản và đồng bộ thông qua việc tuyên truyền phổ biến; xác định ngành nghề và mời gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư các dự án về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Long An. Đồng thời, xây dựng Đề án "Phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035".

Ngày 08/9/2016, Chính phủ ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn 2030” đã thúc đẩy phát triển 12 lĩnh vực: Quảng cáo; Kiến trúc; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, Du lịch văn hóa.

Cụ thể, Long An định hướng và tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hoá trên địa bàn tỉnh như: Quảng cáo, Du lịch văn hóa, Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, Thời trang, Thiết kế, truyền hình và phát thanh, Thủ công mỹ nghệ. Qua đó, trở thành những ngành kinh tế dịch vụ, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua việc sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân.

Từng bước nâng cao tỉ trọng ngành du lịch và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh thông qua việc triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Long An.

Tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của tỉnh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch thể thao và các điểm du lịch văn hóa, lịch sử đặc trưng của tỉnh.

Nhà nước đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất thiết yếu, tạo môi trường pháp lý thuận lợi trong khuôn khổ quy định của pháp luật, có chính sách thu hút nguồn lực để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu, thị trường.

Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp văn hóa tập trung trên địa bàn các huyện công nghiệp, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An.

Giai đoạn 2030 – 2035, doanh thu ngành công nghiệp văn hóa tăng tỷ trọng trong nguồn thu ngân sách, tạo thêm nhiều việc làm và sản phẩm cho xã hội góp phần giải quyết nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân trong tỉnh; phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa tăng lên và đóng góp vào tổng mức GRDP của tỉnh.

Các Đề án phát triển du lịch nhằm phát huy du lịch sinh thái, sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát huy giá trị các di tích văn hóa lịch sử được triển khai thực hiện. Ngành du lịch có những bước phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 25% năm; tiếp tục phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn các huyện còn lại và đô thị mới hình thành.

Do đó, UBND tỉnh yêu cầu việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với đặc điểm tình hình của Long An nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, quảng bá hình ảnh, con người, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thu hút nguồn lực từ xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa, góp phần xây dựng thành phố thông minh, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với xu thế của thời đại, khơi dậy sức sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng tốt phục vụ nhu cầu xã hội, khai thác tiềm năng địa phương, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Ngoài ra, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với Nghị quyết số 51-NQ/TU ngày 04/01/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Long An đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Thuận Yến (t/h)