Sau phiên phục hồi tăng điểm ở vùng giá trung bình MA200 với thanh khoản suy giảm ngày 04/10, kết phiên giao dịch ngày 05/10 VN-Index giảm 14,78 điểm (-1,31%) về mức 1.113,89 điểm. HNX-Index giảm 2,19 điểm (-0,85%) về mức 228,01 điểm. Độ rộng trên 02 sàn niêm yết trở lại tiêu cực với áp lực bán chiếm ưu thế khi tổng cộng có 494 mã giảm giá (12 mã giảm sàn), 168 mã tăng giá (10 mã tăng trần) và 132 mã đứng giá tham chiếu.
Diễn biến này cho thấy mức độ phục hồi không đồng đều ở nhiều mã, trong khi áp lực bán trong phiên hôm nay cũng giảm khi chủ yếu tập trung nhiều vào ở nhóm bất động sản, dịch vụ tài chính, chứng khoán.
Bước sang phiên giao dịch sáng 06/10, chỉ số VN-Index hồi phục trong trạng thái khá yếu khi dòng tiền chỉ tham gia khá nhỏ giọt và nhóm bluechip không mấy hỗ trợ bởi trạng thái phân hóa.
Chính sự kém bền vững đã khiến thị trường nhanh chóng đảo chiều giảm ngay khi bước vào phiên giao dịch khớp lệnh. Tuy nhiên, VN-Index đang nhận được tín hiệu tốt từ vùng hỗ trợ 1.110 điểm. Ngay khi thủng mốc này, lực cầu được kích hoạt giúp thị trường bật ngược đi lên và dần tìm lại sắc xanh nhạt.
![VN-Index hồi phục trong trạng thái khá yếu khi dòng tiền chỉ tham gia khá nhỏ giọt và nhóm bluechip không mấy hỗ trợ bởi trạng thái phân hóa. VN-Index hồi phục trong trạng thái khá yếu khi dòng tiền chỉ tham gia khá nhỏ giọt và nhóm bluechip không mấy hỗ trợ bởi trạng thái phân hóa.](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2023/10/06/img-4290-16412715030811096197964-1696564822.jpg)
Nhóm cổ phiếu bluechip đang là điểm tựa chính giúp thị trường le lói sắc xanh trong bối cảnh số mã giảm điểm chiếm áp đảo trên bảng điện tử. Cụ thể, các mã CTG, VHM, VNM, MWG đang đóng góp khoảng 1,7 điểm cho chỉ số chung.
Về nhóm ngành, tất cả đều đang biến động trong biên độ khá hẹp với mức tăng giảm đều chưa tới 1%. Đáng chú ý, cặp đôi ngân hàng và chứng khoán đều tăng nhẹ, điểm sáng là VIX và VND giao dịch sôi động nhất thị trường và đều đang tăng hơn 2%.
Nhiều chuyên gia đưa ra phân tích và đánh giá thị trường sau đợt điều chỉnh giảm mạnh đã trở nên hấp dẫn hơn. Theo bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS, hiện định giá P.E thị trường đã về mức xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với mức trung bình của 03 năm và nếu so sánh tương quan giữa lãi suất huy động và định giá thị trường, thì lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mức tương đương giai đoạn 2021 – 2022, định giá thị trường đã trở nên hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất liên quan đến những biến số vĩ mô của nền kinh tế thế giới và trong nước, trong đó động thái của Fed sẽ là yếu tố quan trọng cần quan tâm. Khi chính sách tiền tệ của Fed và Việt Nam có khoảng cách, áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu.
Minh An(T/h)