Những con số báo động
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), trên toàn quốc hiện có 4.166 nhà chung cư, nhà cao tầng, trong đó 538 nhà được xây dựng trước Luật PCCC năm 2001 (chiếm 12,91%), 3.628 nhà được xây dựng sau Luật PCCC 2011 (chiếm 87,09%). Có 3.982 nhà dưới 30 tầng (chiếm 95,58%), 2.204 nhà chung cư (chiếm 52,9%), 637 nhà đa năng có kết hợp căn hộ và TTTM (chiếm 12,29%), 3.448 nhà cao tầng (chiếm 82,76%). Nhà chung cư, nhà cao tầng, chủ yếu tập trung tại TP. HCM 1.522/4.166 (chiếm 36,53%), Hà Nội 1.626/4.166 (chiếm 39,03%).
Việc chấp hành các quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thiết kế, nghiệm thu về PCCC và đưa công trình vào hoạt động của CĐT, đơn vị quản lý, ban quản trị chung cư chưa đầy đủ, còn những tồn tại, vi phạm phát sinh trong quá trình hoạt động, phổ biến là vi phạm về các điều kiện ngăn lan cháy, thoát nạn, hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC.
Cụ thể, trong tổng số 4.166 nhà chung cư, có 695 cơ sở chưa được thẩm duyệt về PCCC (chiếm 15,81%), 123 cơ sở chưa được nghiệm thu về PCCC (chiếm 3%), 466 cơ sở không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC (chiếm 11,2%), 211 cơ sở không đảm bảo về giao thông phục vụ chữa cháy (chiếm 5,06%), 447 cơ sở không có hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà (chiếm 10,73%), 1.119 cơ sở không có giải pháp ngăn cháy lan (chiếm 26,86%), 1.131 cơ sở không đảm bảo về giải pháp, điều kiện thoát nạn (chiếm 27,15%).
Có 631 cơ sở thiếu hệ thống báo cháy tự động (chiếm 15,14%), 533 cơ sở không có hệ thống chữa cháy trong nhà, ngoài nhà, tự động (chiếm 12,79%), 371 cơ sở có hồ sơ theo dõi quản lý hoạt động PCCC không đảm bảo theo quy định (chiếm 8,9%), 693 cơ sở có hệ thống điện chưa đảm bảo theo quy định (chiếm 16,63%), 784 cơ sở không tiến hành kiểm tra bảo dưỡng phương tiện PCCC theo định kỳ (chiếm 19,14%), 1.557 cơ sở không thực hiện việc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (chiếm 37,37%), 821/2.944 cơ sở không thành lập đơn vị quản lý hoặc ban quản trị toà nhà (chiếm 27,88%).
Qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở, đã phát hiện nhiều tồn tại, vi phạm về PCCC trong quá trình hoạt động. Cụ thể, nhiều cơ sở chưa nghiệm thu PCCC đã đi vào hoạt động. Không ít cơ sở xây dựng cách đây 10 năm, không đảm bảo yêu cầu cho xe thang, xe chữa cháy tiếp cận các mặt của tòa nhà để triển khai hoạt động chữa cháy; thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng các công trình liền kề, bãi để xe máy, ô tô, kinh doanh dịch vụ làm cản trở hoạt động của xe chữa cháy.
Chưa thực hiện đẩy đủ các yêu cầu về ngăn cháy lan tại các vị trí kênh, giếng, trục kỹ thuật của tòa nhà, để đồ vật cản trở hoặc làm mất tác dụng của các bộ phận ngăn cháy. Hệ thống màn nước phân khoang ngăn cháy không được duy trì hoạt động theo đúng chức năng, bố trí phương tiện tại gara không đúng quy định. Điều kiện thoát nạn như an toàn hành lang, lối ra thoát nạn, cầu thang bộ thoát nạn trong nhà không duy trì thường xuyên, không có hệ thống hút khói, điều áp, đèn chiếu sáng, chỉ dẫn không đáp ứng yêu cầu về số lượng, vị trí lắp đặt, quy cách của đèn.
Hệ thống thiết bị PCCC kém chất lượng, không đảm bảo theo quy định, sau thời gian hoạt động bị xuống cấp hư hỏng; lực lượng PCCC tại chỗ chưa đáp ứng về kiến thức và nghiệp vụ…
Chỉ ra nhiều nguyên nhân
Theo TS. Phan Anh, giảng viên Đại học PCCC, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các tồn tại, vi phạm về PCCC. Về nguyên nhân khách quan, do hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xây dựng, PCCC chưa thống nhất trong thực hiện các thủ tục cấp phép giữa cơ quan cảnh sát PCCC với các cơ quan quản lý về xây dựng, có tình trạng công trình được cấp phép xây dựng nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC, kiểm tra nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC.
Một số nhà chung cư được xây dựng trước Luật PCCC 2001 thường không được trang bị đầy đủ các phương tiện, hệ thống PCCC, đồng thời đi vào hoạt động nhiều năm nên xuống cấp nghiệm trọng.
Kinh phí để bảo dưỡng các hệ thống thiết bị PCCC hạn hẹp, không đảm bảo cho việc bảo trì và duy trì hoạt động, do CĐT thường không đưa vào dự toán đầu tư xây dựng công trình bởi chưa có quy định cơ quan quản lý nào thẩm định, kiểm tra, giám sát việc bảo đảm nguồn kinh phí này.
Nguyên nhân chủ quan, TS. Phan Anh chỉ ra, CĐT còn đặt nặng mục tiêu về hiệu quả kinh tế, cố tình cắt giảm chi phí đầu tư ban đầu cho PCCC, đầu tư các hệ thống kém chất lượng, thi công không đúng so với thiết kế đã được duyệt dẫn đến công trình không nghiệm thu được, nhiều công trình đứng trước áp lực phải bàn giao nên đưa dân vào sinh sống trước khi công trình được nghiệm thu hoặc chưa đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC.
Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh dịch vụ PCCC không đáp ứng điều kiện, năng lực kinh doanh hoặc vì lợi nhuận nên không tư vấn cho CĐT những giải pháp PCCC tối ưu, thiết bị PCCC đảm bảo chất lượng. Mặt khác, việc chuyển giao công nghệ, tập huấn giữa đơn vị thi công với CĐT, đơn vị quản lý, vận hành chưa đầy đủ dẫn đến đơn vị không nắm vững tính năng của các hệ thống, phương tiện, lúng túng trong kiểm tra, vận hành hệ thống, thiết bị PCCC.
Một số công trình được đưa vào sử dụng, nhưng chưa hoàn thành việc thành lập đơn vị quản lý, ban quản trị chung cư, CĐT, đơn vị quản lý, ban quản trị chưa thực hiện đủ trách nhiệm PCCC theo quy định.
Một bộ phận người dân chưa quan tâm đến công tác PCCC, chưa hợp tác tham gia các đợt tuyên truyền về an toàn PCCC; kiến thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về PCCC còn hạn chế, làm hư hỏng, mất tác dụng hệ thống PCCC, để vật dụng trên hành lang và buồng thang bộ cản trở đường thoát nạn, lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện, thắp hương, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đảm bảo an toàn PCCC trong quá trình sử dụng.
TS. Phan Anh đề xuất, kiến nghị các giải pháp tăng cường công tác PCCC với chung cư cao tầng. Theo đó, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán từ các cơ quan nhà nước có liên quan như Chính Phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng, lực lượng cảnh sát PCCC, cấp ủy, chính quyền địa phương, các CĐT, đơn vị quản lý, ban quản trị và người dân để đảm bảo an toàn PCCC.
Trúc Mai