THCL Dự án gia cố thân đê và cứng hóa mặt đê tả sông Thao và đê hữu sông Lô (phường Bến Gót, TP. Việt trì, Phú Thọ), qua 6 năm triển khai thực hiện, đến nay vẫn dậm chân tại chỗ, khiến hàng trăm hộ dân đang phải ngày đêm gồng mình chung sống với ô nhiễm môi trường.
Con đường Thạch Khanh bụi mù mịt do dự án gia cố thân đê hoạt động
Dự án gia cố thân đê và cứng hóa mặt đê tả sông Thao và đê hữu sông Lô (dự án) có tổng mức đầu tư hơn 264 tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015, tuy nhiên đến nay mới chỉ thực hiện được một nửa.
Đặc biệt, tuyến đường Thạch Khanh (phường Bến Gót) chạy xuyên ra dự án đang có hơn 200 hộ dân sinh sống. Do dự án chưa làm xong, mật độ xe chở vật liệu, lưu huỳnh, xăng dầu chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm, làm rơi vãi đầy đường gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Quyết Chiến (Tổ 28 phố Hồng Hà, phường Bến Gót) cho biết, hàng trăm xe chạy ngày đêm, khiến cả dãy phố Thạch Khanh, nhà nào cũng phải che bạt kín. Ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa thì lầy lội…
Bà Trịnh Thị Hiên (phố Hồng Hà, phường Bến Gót) chia sẻ: “Bao nhiêu năm qua, chúng tôi sống trong ô nhiễm môi trường. Nhiều người già, trẻ nhỏ mắc bệnh về hô hấp, tai mũi họng... Dự án gia cố thân đê kéo dài 6 năm, đồng nghĩa với việc ngần ấy năm người dân phường Bến Gót phải chung sống với ô nhiễm môi trường, khói bụi, tiếng ồn…”.
Ông Trần Anh Đức, Phó chủ tịch UBND phường Bến Gót (TP. Việt Trì) thừa nhận, dự án nằm trên địa bàn phường Bến Gót đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân quanh khu vực thực hiện dự án. UBND phường đã đôn đốc nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, đồng thời vận động các đơn vị liên quan tập trung quét dọn và vệ sinh để đảm bảo vệ sinh môi trường chung cho các hộ dân sống 2 bên đường.
Dự án gia cố thân đê và cứng hóa mặt đê tả sông Thao và đê hữu sông Lô chậm tiến độ khiến người dân chịu khổ
Ông Nguyễn Đức Lương, Trưởng ban quản lý Dự án công trình xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn (Phú Thọ) cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến dự án chậm tiến độ là do phương án bồi thường hỗ trợ năm 2013, trong khi chưa xây dựng xong khu tái định.
Đến tháng 3/2015, hạ tầng khu tái định cư mới được hoàn thành và bàn giao cho các hộ dân. Tuy nhiên, tại thời điểm bàn giao, Luật Đất đai mới đã thay đổi, do đó đơn giá bồi thường hỗ trợ có chênh lệch tăng lên so với năm 2013 dẫn đến các hộ dân không đồng ý nhận tiền, nhận đất tái định cư và đề nghị áp giá bồi thường, hỗ trợ tại thời thời điểm giao đất. Trước sự việc trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo trình UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Theo đó, ngày 22/6/2016, tỉnh Phú Thọ đã có công văn gửi các ban, ngành liên quan, trong công văn nêu rõ đồng ý cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ hoàn thành trước ngày 31/12/2015 sang hoàn thành trước ngày 31/12/2016; đồng ý cho dự án thực hiện hỗ trợ, bồi thường các hộ dân giá trị chênh lệch theo đơn giá hỗ trợ của năm 2016.
Ông Nguyễn Đức Lương, Trưởng ban quản lý Dự án công trình xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn khẳng định, để đảm bảo thực hiện dự án đúng thời gian chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị sẽ nhanh chóng triển khai hỗ trợ đền bù cho 6 hộ dân để có được mặt bằng, đồng thời yêu cầu bên thực hiện thi công tập trung máy móc, nhân lực để dự án gia cố thân đê và cứng hóa mặt đê tả sông Thao và đê hữu sông Lô nằm trên địa bàn phường Bến Gót sớm được hoàn thành trong năm 2016.
Như vậy, mong muốn của người dân, cũng như cam kết của Ban quản lý dự án, hy vọng dự án sẽ sớm hoàn thành để trả lại môi trường trong sạch, đảm bảo về an ninh trật tự, ổn định đời sống cho người dân nơi đây.
Hoan Nguyễn