QLTT Thanh Hóa tăng cường quản lý thị trường hàng hóa trong mùa dịch
Lực lượng QLTT Thanh Hóa tăng cường quản lý thị trường hàng hóa trong mùa dịch

Theo đó, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh và Tổng cục QLTT, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tăng giá bán bất hợp lý các mặt hàng.

Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý theo địa bàn, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu, nhất là trang thiết bị, vật tư y tế,... dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, thực phẩm tươi sống nhằm góp phần ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

Đơn vị đã quán triệt, chỉ đạo, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch tới từng đơn vị, công chức trực thuộc, bảo đảm công tác ứng trực thường xuyên trong thời gian diễn ra dịch bệnh (kể cả ngày nghỉ, lễ, tết, ngoài giờ hành chính) để kịp thời cập nhật, báo cáo diễn biến, tình hình và xử lý các tình huống phát sinh trên địa bàn; tiếp tục duy trì tổ thường trực phòng, chống dịch do 1 lãnh đạo cục làm tổ trưởng là đầu mối liên lạc để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và báo cáo công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện nhiệm vụ được phân công, các đội QLTT trực thuộc đã chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến dịch bệnh và thị trường để kịp thời ứng phó với các tình huống xảy ra tại địa phương.

Thống kê đến hết tháng 4/2021, các lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã xử lý 1.569 vụ việc vi phạm trên các lĩnh vực. Trong đó, với lĩnh vực xử lý vi phạm hàng giả, các lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra, phát hiện kịp thời, xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng là các hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế và các loại vật tư, trang thiết bị y tế khác, dùng bảo vệ sức khỏe để phòng, chống dịch và chữa bệnh.

Mặt khác, tăng cường kiểm tra các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng giả mạo nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân như: quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ... với 39 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 272 triệu đồng. Trong lĩnh vực vi phạm về giá, các lực lượng đã xử lý 854 vụ, phạt hành chính 10,5 tỷ đồng.

Hoài Thu