Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 21/5, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Về phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (Điều 1, Điều 2 và Chương VIIa), có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất là nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8. Lý do là bởi, nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Đại biểu Cao Đình Thưởng
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng cho rằng, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là đang đốt cháy giai đoạn và chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Ông Thưởng phân tích, nếu đưa các quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là chưa phù hợp với hai lý do.
Thứ nhất, mục đích sửa đổi Luật Doanh nghiệp là sửa đổi một số nội dung thiết yếu có liên quan đến những vấn đề phát sinh trong thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, hộ kinh doanh là mô hình kinh doanh đặc thù, bản chất không phải là doanh nghiệp. Vấn đề này, báo cáo thẩm tra cũng đã thể hiện rõ.
Theo ông Thưởng, nếu đưa hộ kinh doanh vào Luật có thể gây hiểu lầm, chính sách áp dụng giữa các nơi có thể rất khác nhau, một bộ phận cán bộ quản lý có thể coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp và khiến các hộ bị phát sinh chi phí, thêm thủ tục, khó khăn hơn trong hoạt động.
Thứ hai, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp là các loại hình doanh nghiệp. Nếu coi hộ kinh doanh thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật thì khi đó là Luật về mô hình kinh doanh, chứ không còn là Luật Doanh nghiệp.
Từ các phân tích trên, ông Thưởng kiến nghị giao cho Chính phủ quy định cụ thể để điều chỉnh linh hoạt tùy theo mức độ hoạt động, sự đa dạng của hộ kinh doanh trong từng thời điểm và có thể xây dựng thành một luật riêng.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) cho rằng, hộ kinh doanh chỉ biết và thực hiện theo luật về hộ kinh doanh khi đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thì thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, như vậy sẽ đơn giản hơn. Nếu để chung khi có thay đổi các quy định đối với doanh nghiệp nhưng không có tác động đối với hộ gia đình và ngược lại thì cũng phải sửa đổi luật làm ảnh hưởng đến tính ổn định của luật.
Kiên trì quan điểm đã phát biểu ở kỳ họp thứ 8 của Quốc hội và cả sau đó khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng không nên xây dựng riêng một đạo luật về hộ kinh doanh.
Vì nếu thực hiện phương án này thì Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới có luật về hộ kinh doanh, khác với thông lệ quốc tế sẽ rất khó cho hộ kinh doanh hoạt động, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập.
Mặt khác, ông Lộc nhấn mạnh, Bộ luật Dân sự đã xóa bỏ tư cách chủ thể của hộ kinh doanh, nếu không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp thì Chính phủ không thể nào có hướng dẫn về đăng ký hộ kinh doanh được, bởi vì điều này trái với Luật Dân sự.
Nếu chờ đợi hộ kinh doanh được xác lập vị trí pháp lý của mình trong bộ luật riêng thì với chương trình xây dựng pháp luật dày đặc của Quốc hội như thế này ít nhất phải 2-3 năm chúng ta mới có thể ra được bộ luật này. Trong thời gian 2-3 năm nữa thì hàng triệu hộ kinh doanh sẽ trông cậy vào đâu, không có cơ sở pháp lý để bảo vệ họ, điều chỉnh hoạt động của họ, bởi vì Luật Dân sự đã bác tư cách chủ thể của họ rồi, ông Lộc lo ngại.
Cũng ủng hộ phương án đưa hộ kinh doanh vào một chương của dự thảo, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhấn mạnh: qua nhiều lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp, năm 1990, năm 2005 và năm 2014 thì tất cả các lần này trong Luật Doanh nghiệp đều có những quy định về hộ kinh doanh. Việc bổ sung trong dự thảo lần này theo hướng là nâng lên, luật hóa nhiều nội dung hơn và thành lập một chương riêng. Như vậy, về bản chất hộ kinh doanh lâu nay đã được quy địn trong Luật Doanh nghiệp.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống điện tử đối với 2 loại ý kiến nói trên.
Ngọc Lan