Cụ thể, các di sản được vinh danh lần này gồm: Lễ hội rằm tháng Ba tại huyện Minh Hóa (thuộc loại hình lễ hội truyền thống), Hát tuồng bội tại xã Hưng Trạch (huyện Bố Trạch) và Hát sắc bùa tại huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới (thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian).
Lễ hội rằm tháng Ba của huyện Minh Hóa là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng giàu bản sắc, gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh của người dân địa phương. Diễn ra vào tháng Ba Âm lịch hàng năm, lễ hội thu hút đông đảo du khách tham gia, không chỉ để trải nghiệm nét đẹp văn hóa mà còn để cảm nhận các giá trị nghệ thuật và tinh thần của vùng núi cao.
Hát tuồng bội ở xã Hưng Trạch là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc. Loại hình này được tổ chức theo mô hình gánh hát từ 13 đến 18 thành viên, bao gồm nhiều vai diễn như thầy tuồng, đào, kép, vua, chúa, tướng lĩnh, binh lính, và thầy đồ. Các làn điệu tuồng đa dạng như Nam ai, Nam bình, Tẩu mã, Sa mạc... mang đậm nét truyền thống, đặc biệt ở cách nhả chữ dứt khoát, mạnh mẽ và lối luyến láy độc đáo của người dân Khương Hà, tạo nên sự khác biệt với tuồng ở các địa phương khác.
Hát sắc bùa, một hình thức nghệ thuật dân gian tại huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới, cũng là nét văn hóa đặc sắc được người dân Quảng Bình bảo tồn qua nhiều thế hệ. Đây là minh chứng cho sự gìn giữ và phát triển bền vững các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Việc các di sản này được công nhận không chỉ khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của Quảng Bình mà còn là động lực để bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trong đời sống hiện đại.
Xuân Lê