Theo đó, sáng nay 14/3, bên bờ sông Gianh thuộc phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) – quê hương của Đảo phó Gạc Ma, Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, chính quyền, nhân dân và đồng đội đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 64 chiến sỹ đã hy sinh trong trận hải chiến không cân sức trên đảo chìm Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa cách đây 36 năm. Đồng thời, làm lễ gắn biển tên đường mang tên Trần Văn Phương, con đường ven biển đẹp nhất tại quê nhà của anh.
Tại lễ gắn biển tên đường, ôn lại lịch sử hào hùng của những người lính Gạc Ma năm nào, đại diện cựu chiến binh Gạc Ma xúc động cho biết, rạng sáng ngày 14/3/1988, đảo phó Gạc Ma, Trung úy Trần Văn Phương cùng đồng đội rời tàu dầm mình trong nước biển mang theo dụng cụ và vật liệu xây dựng đảo. Cũng trong sáng đó, quân Trung Quốc nhiều lần đổ bộ, tấn công đảo Gạc Ma. Cuộc chiến không cân sức xảy ra, gần 50 người lính công binh trong tay chỉ có xà beng, cuốc xẻng, các chiến sỹ hải quân Việt Nam nắm tay nhau tạo thành vòng tròn giữ đảo, mà sau này trở thành biểu tượng “vòng tròn bất tử”.
Trước sự hung hãn của địch, Trung uy Trần Văn Phương đã động viên đồng đội: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân anh hùng”. Trong lúc giằng co với quân địch để giữ lá cờ Tổ quốc, một phát đạn của địch đã trúng đầu trung úy Phương. Anh gục xuống, tay vẫn cầm chắc ngọn cờ Tổ quốc, lá cờ phủ lên thi thể anh.
Có mặt tại buổi lễ, cựu binh Nguyễn Văn Thống, Hội trưởng cựu binh Gạc Ma tại Quảng Bình xúc động nói: “Tên của Anh hùng liệt sỹ Trần văn Phương được đặt tên cho con đường ven biển đẹp nhất quê hương anh không chỉ là niềm tự hào của gia đình, quê hương mà còn có cả những người lính Gạc Ma đã hy sinh và những người lính còn sống như chúng tôi. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng của chính quyền và nhân dân đối với sự hy sinh oanh liệt của người con quê hương - Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương”.
Tuyến đường mang tên người anh hùng Gạc Ma nằm ở tổ dân phố Mỹ Hòa, chạy dài khoảng một cây số dọc bờ sông Gianh dẫn ra cửa biển. Theo chính quyền địa phương, tuyến đường này được chọn gắn tên liệt sĩ Trần Văn Phương vì đường hướng từ phía nhà của liệt sĩ Phương chạy ra hướng biển như một gạch nối giữa nơi sinh và nơi anh đã ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma.
Lê Quyết