Tem bưu chính giới thiệu về loài Sao la của Việt Nam
Theo đó, hình ảnh một cá thể nghi là Sao La được ghi nhận vào ngày 9/2/2019, tại khu vực tiếp giáp giữa vùng đệm và vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho loài vật quý hiếm này trước mối đe dọa của nạn săn bắt động vật hoang dã, Ban quản lý vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đã từ chối cung cấp thông tin về vị trí cụ thể phát hiện con vật.
Qua quan sát các đặc điểm trên ảnh và so sánh với đặc điểm nhân dạng của loài này, PGS Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đặng, một trong những chuyên gia hàng đầu về động vật rừng của Việt Nam (Nguyên Trưởng phòng động vật rừng của Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật Việt Nam) khẳng định 90% là Sao La, một loài cực kỳ nguy cấp, quý hiếm trên thế giới, được các nhà khoa học mệnh danh là "Kỳ lân Châu Á".
Một bản ảnh toàn cảnh duy nhất do bẫy ảnh chụp lại ngày 9-2-2019. Ảnh: Phong Nha - Kẻ Bàng
Hiện, VQG Phong Nha Kẻ Bàng đang thu thập thêm các bằng chứng khẳng định sự hiện diện của loài này ở đây. Qua đó triển khai các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt ở khu vực phát hiện nhằm phòng tránh các hoạt động gây hại đến loại động vật cực quý hiếm này.
Sao La có tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis, là loài động vật có vú có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, sống ở vùng rừng núi Trường Sơn. Loài động vật này được phát hiện lần đầu tiên năm 1992 qua mẫu vật sừng tại nhà một người thợ săn khu vực khu bảo tồn Vũ Quang, Hà Tĩnh (nay là VQG), nhiều bằng chứng tương tự về sự tồn tại của loài này cũng được tìm thấy tại các cộng đồng miền núi ở phía Tây của Nghệ An, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Sự kiện Sao La được công bố là loài thú mới sau đó đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư nghiên cứu, cũng như các can thiệp bảo tồn đa dạng sinh học trong suốt thập kỷ 90 của thế kỷ XX.
Linh Quyết