Liên quan tới việc nhiều sản phẩm mang thương hiệu Thanh Mộc Hương đang được quảng cáo “tràn lan” với các mỹ từ gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh, phóng viên Thương hiệu & Công luận đã liên hệ với phía Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Thanh Mộc Hương có địa chỉ văn phòng tại Tầng 1, Tòa CT1 Khu Chức Năng Đô Thị Tây Mỗ, Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.
Tuy nhiên, sau rất nhiều nỗ lực liên lạc thì cũng hơn 03 tháng phía Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Thanh Mộc Hương mới “chịu” làm việc với phóng viên.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thành Công - Đại diện Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Thanh Mộc Hương cho rằng: “Hiện nay, Công ty chỉ có một website duy nhất có tên miền: https://thanhmochuong.vn/, một trang fanpage facebook có tên: Dược Mỹ Phẩm Thanh Mộc Hương và kênh youtube Thanh Mộc Hương TV (https://www.youtube.com/channel/UC-cLkRFXYkH2GSJr6Zb70rQ) còn các website khác có thể do đại lý, do đối thủ lập nên rất khó để kiểm soát. Ngày trước việc kinh doanh tốt, có một, hai bạn nhân viên kiểm soát thông tin ngôn từ để nếu có sai sót ở đâu sẽ chỉnh sửa ngay nhưng bây giờ ít nhân viên hơn nên không làm được việc đó. Giờ nhiều người bán hàng, làm giả lắm, chúng tôi không kiểm soát được”.
“Chỉ cần không sử dụng trực tiếp từ ngữ là điều trị, đặc trị là được, chúng tôi không sử dụng sai, chỉ cần không sai thì có nghĩa là đúng. Các doanh nghiệp khác thậm chí doanh nghiệp lớn chứ không chỉ Thanh Mộc Hương cũng phải có những lắt léo trong ngôn từ để có ưu thế trong khi bán hàng”, ông Công nói tiếp.
Khi hỏi về giấy phép công bố và quảng cáo của các sản phẩm, ông Công cho biết “Hiện công ty chỉ đang kinh doanh hơn chục sản phẩm thôi, nhiều sản phẩm như PV cung cấp công ty đã ngừng bán lâu rồi”. Ông Công khẳng định tất cả các sản phẩm đang quảng cáo và bán trên website “đều có đủ giấy tờ pháp lý”.
Sau đó, ông Công cũng đã gửi cho PV thông tin của 15 sản phẩm của Thanh Mộc Hương. Nhưng trong đó, có nhiều sản phẩm chỉ có giấy phép công bố, nhiều sản phẩm chỉ có bản công bố phù hợp tiêu chuẩn cơ sở.
Ngoài ra, khi đối chiếu với các sản phẩm được Công ty Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương đăng tải, giới thiệu trên trang website https://thanhmochuong.vn/, (trang website mà ông Công khẳng định là website duy nhất của công ty) thì có thể thấy các sản phẩm khác như: Body Whitenning Lotion De Paris, Dung dịch vệ sinh Organic Mộc Hương Garden, tắm trẻ em mẹ Tấm, Dung dịch Xịt mũi họng VA – DR Hương, Kem chống nắng Optimus, Bôi da Thuần Mộc, Nước súc miệng Thanh Mộc Hương, Xoa bóp Thanh Mộc Hương, Dầu xả quốc dân Thanh Mộc Hương, Dầu gội thảo dược Dân gian Thanh Mộc Hương, Nước súc miệng Thuần Mộc, Sửa rửa mặt dược liệu DR. Hương, Serum Đông Y Diễm lại không được cung cấp bất cứ giấy tờ pháp lý nào liên quan.
Khi PV nêu vấn đề, trong việc kiểm soát việc quảng cáo thổi phồng công dụng hiện đang được nhiều trang website, nhà phân phối, có thể cả các đối thủ thực hiện công ty dù nắm được nhưng tại sao lại không nhờ cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và đưa ra cảnh báo kịp thời thì ông Công cho rằng: “Làm như thế thì rất khó vì Công ty cũng muốn phát triển các đại lý, phát triển việc bán hàng…”.
Câu hỏi đặt ra, liệu rằng câu trả lời của đại diện Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương có khiến dư luận hài lòng? Liệu có phải vì muốn bán được nhiều hàng mà Công ty này “ngó lơ” các trang website, địa chỉ fanpage facebook… đang quảng cáo không đúng theo công dụng mà sản phẩm đã được cấp phép.
Cũng tại buổi làm việc, liên quan tới việc các trang website, đại chỉ fanpage, kênh Youtube chính thức vẫn đang có những bài viết, câu từ gây hiểu lầm hay như việc sử dụng hình ảnh các y bác sĩ, feeback của hàng khách hàng để quảng bá sản phẩm, ông Công cho biết sẽ kiểm tra lại thông tin.
Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã có bài viết phản ánh về việc rất nhiều sản phẩm mang thương hiệu Dược mỹ phẩm Thanh Mộc Hương…. đang được các đơn vị phân phối quảng cáo không đúng như công dụng mà sản phẩm đã được cơ quan chức năng cấp phép, nhiều sản phẩm sử dụng những từ ngữ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh.
Cùng với đó, là việc nhãn hàng Thanh Mộc Hương còn “vô tử” sử dụng rất nhiều lời chia sẻ, feeback từ người sử dụng và đặc biệt là hình ảnh của các chuyên gia, bác sĩ, dược sĩ nhằm quảng bá sản phẩm đến khách hàng.
Trong khi đó, theo Điều 6 của Thông tư Số 09/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế thì nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP, cụ thể: Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khác và tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm mỹ phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo có nêu rõ: Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh.
Theo quy định tại thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế thì: “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.
Tại Phụ lục số 03-MP của thông tư 06/2011/TT-BYT cũng nêu rõ: “Sản phẩm mỹ phẩm không được thể hiện như một sản phẩm để chữa bệnh hoặc phòng bệnh cho người”.
Trang Anh