Nhằm chủ động, kịp thời phòng, chống, không để dịch bệnh tay chân miệng bùng phát và lan rộng trên địa bàn tỉnh, ngày 2/4, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa ra văn bản khẩn cấp tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trong bối cảnh trên địa bàn đã ghi nhận trường hợp mắc tay chân miệng tăng 7,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. 

Bệnh tay, chân, miệng bùng phát ở Quảng Nam
Bệnh tay, chân, miệng bùng phát ở Quảng Nam. (Ảnh: Thanh Chung)

Theo thống kê bệnh truyền nhiễm, tính đến ngày 31/3, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận 282 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 7,5 lần so với cùng kì năm 2020 và gấp 1,9 lần so với cùng kì năm 2019) và số mắc đang cao thứ 3 khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng ghi nhận một số ca bệnh tay chân miệng nặng, gây nguy hại rất lớn đến sức khỏe và tính mạng của trẻ nhỏ.

Do đó, tỉnh Quảng Nam yêu cầu các hệ thống y tế tuyến huyện theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, tham mưu kịp thời tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; khống chế ca bệnh, không để bùng phát dịch.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật chuẩn bị chu đáo hậu cần, cơ sở vật chất và chuyên môn hỗ trợ các địa phương khi có dịch xảy ra. Các đơn vị trường học (đặc biệt là các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, nhóm trẻ gia đình) phối hợp chặt chẽ với chính quyền, ngành y tế địa phương triển khai thiết thực các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng.

Được biết, hiện Quảng Nam đã ghi nhận dịch bệnh tay, chân, miệng tại 13 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, các địa phương gồm: Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước và Tam Kỳ là những nơi ghi nhận có số mắc bệnh cao nhất và đã xuất hiện các trường hợp biến chứng nặng, nguy hiểm ở trẻ em.

Trước tình hình này, ngành y tế của tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tập trung triển các biện pháp phòng, chống và hướng dẫn xử lý trong từng trường hợp bệnh để tránh lay lan nhanh, hình thành dịch.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho hay, Sở đã có văn bản đề nghị các đơn vị cơ sở trên địa bàn phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh tay, chân, miệng. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cơ số thuốc hóa chất vật tư y tế để bảo đảm công tác thu dung, điều trị, tránh trường hợp để xảy ra tử vong đối với bệnh tay, chân, miệng.

Được biết, số mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2020 là do năm 2020 ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên học sinh, đặc biệt lớp nhà trẻ, mẫu giáo được nghỉ học thời gian dài và công tác khử khuẩn môi trường được chú trọng hơn.

Nguyễn Tùng – Hoàng Dương