Theo tìm hiểu của PV, khoảng thời gian từ 2002 - 2003, ông Bùi Hạ Long có mua gần 24 ha đất rừng sản xuất của các hộ dân trên địa bàn thôn 6, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.
Theo phản ánh của người dân, từ khi được sở hữu 24 ha đất rừng sản xuất này, ông Long bắt đầu xây dựng những hạng mục công trình kiên cố trên mảnh đất này mà không thực hiện việc trồng rừng.
Các công trình kiên cố được xây dựng trên đất rừng sản xuất
Trong vai một người khách thập phương tới hỏi thuê phòng, PV đã có dịp tiếp cận những công trình trái phép này.
Dọc theo tỉnh lộ 334, cách trung tâm huyện Vân Đồn khoảng 2 km, PV không khỏi ngỡ ngàng trước một khu vực rộng gần 24 ha, được quây kín hàng rào bằng gạch cao gần 3 mét. Phía sau những bức tường là một thiên đường lộng lẫy, có sự kết hợp giữa thiên nhiên và kiến trúc hiện đại.
Sau khi mọi thủ tục đã xong, chúng tôi được đi dạo quanh khu vực này. Ngay từ cổng vào là một ngôi nhà kiên cố rộng khoảng 50 m2 dành cho bảo vệ; dưới tán những cây thông cổ thụ là một đàn ngựa đá được sắp đặt tinh tế chạy dọc theo con đường. Hai bên đường vào còn có hàng trăm chậu hoa hồng xếp thành bãi rộng; xen kẽ giữa hàng cau vua cao ngất là những chậu cây cảnh cổ thụ, dáng đẹp, đặc biệt là những cây bonsai có dáng độc đáo…
Công trình nổi bật dưới những tán cây là một khu nhà sàn 2 tầng mái ngói. Cách đó chừng 30 m là một ngôi nhà có kiến trúc cổ, được dựng bằng gỗ nằm im lìm dưới tán cây.
Càng đi sâu vào bên trong, quy mô rộng lớn của “biệt phủ” càng được phơi bày. Mặc dù ở lưng chừng núi, thế nhưng lại tồn tại 3 chiếc hồ. Trên hồ là những cây cầu bê tông có mái che, được bắc ngang để tạo cảnh quan. Theo tìm hiểu thì, hồ này được đặt tên là Ao cá Bác Hồ.
Không những vậy, hàng loạt công trình và bàn ghế đá đều được xây dựng men theo sườn núi. Giữa lưng chừng núi có một ngôi chùa đang được xây dựng, trước cửa có đặt một bức tượng Quan thế âm Bồ tát bằng đá trắng cao chừng 3 m.
Quy mô rộng lớn...
Theo phản ánh của người dân, không phải ai cũng tiếp cận được khu vực này, bởi nó được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
“Mặc dù họ kinh doanh du lich, thế nhưng, nếu thấy khách có biểu hiện lạ hay vào hỏi han linh tinh là họ từ chối và đóng cửa ngay”, một người dân nói.
Đứng tại vườn, phóng tầm mắt ra xa là khung cảnh hùng vĩ của núi đá vịnh Bái Tử Long, bên dưới là hàng chục công trình được xây dựng rải rác khắp khu rừng.
Từ khi có được gần 24 ha, ông Long không trồng rừng mà chỉ phá vỡ môi trường rừng tạo cảnh quan bằng các công trình dày bê tông, sắt thép
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, ngày 18/4, PV TH&CL đã có buổi làm việc với ông Châu Thành Hưng – Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn. Theo ông Hưng, việc chuyển đổi gần 24 ha đất trên địa bàn xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, đã được trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Cũng theo ông Hưng, về mặt quản lý nhà nước, huyện chỉ quản lý về đất đai trong quy hoạch, còn phê duyệt dự án thì không có thẩm quyền.
Trao đổi với PV, một luật sư (xin được giấu tên) cho biết, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng chỉ được bàn giao, cho thuê đối với các đối tượng cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trên địa bàn cấp xã nơi có rừng để trực tiếp sản xuất lâm nghiệp và nghiêm cấm các hành vi mua bán, trao tay...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ông Long có hộ khẩu thường trú tại phường Hồng Hải, TP. Hạ Long. Như vậy, hành vi mua đất của ông Long đối với các hộ dân là hoàn toàn trái pháp luật.
Không chỉ sai phạm về việc mua bán, chuyển nhượng đất, ông Long còn vi phạm nghiêm trọng về việc mục đích sử dụng đất rừng sản xuất, nghiêm trọng hơn nữa là khi tự ý xây dựng các công trình kiên cố trên đất rừng mà chưa được sự đồng ý, phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo phản ánh của nhiều người dân địa phương, từ khi ông Long mua lại đất ở khu vực này, chỉ thấy xây dựng thêm nhà cửa, đào ao thả cá, không hề thấy tổ chức trồng rừng. Rừng đang phát triển là rừng đã được trồng trước kia.
Việc ông Long tự ý thay đổi hiện trạng đất trong gần 10 năm trở lại đây, nhưng không bị các cơ quan chức năng xử lý, thậm chí phía chính quyền còn có dấu hiệu “hợp thức hóa” những sai phạm của ông Long thông qua việc ban hàng các văn bản rồi tiến tới thành lập dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Nhiều người đặt câu hỏi: Có hay không sự "chống lưng" của một số cán bộ chính quyền trong công tác quản lý?
Trần Trang