Đến tháng 9/2024, toàn tỉnh hiện có 47.360 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, lĩnh vực thuộc ngành Y tế quản lý 9.253 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 10.072 cơ sở, ngành Nông nghiệp quản lý 28.350 cơ sở. Tuy nhiên, số lượng thực phẩm sản xuất nội địa chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ, 60% còn lại được nhập từ các tỉnh, thành khác cũng như từ nước ngoài.
Điều này cũng dẫn đến nguy cơ việc thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các quy định về ATTP thẩm lậu vào nội địa thông qua nhiều con đường khác nhau, đặc biệt là qua các cửa ngõ biên giới. Do đó, những tháng cuối năm 2024, các lực lượng chức năng như: Biên phòng, công an, hải quan, nhất là địa bàn biên giới… đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, hạn chế thấp nhất nguồn thực phẩm không đảm bảo ATTP có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường nội địa; chủ động phối hợp chặt chẽ, bằng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.
Lực lượng quản lý thị trường toàn tỉnh cũng tăng cường công tác giám sát thị trường, nhất là thời điểm sau thiên tai như hiện nay, ngoài mục tiêu đảm bảo không để xảy ra tình trạng “găm hàng thổi giá”, thì còn đảm bảo không để lưu thông hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn, nhất là hàng hoá, thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm, các chợ đầu mối.
Bà Đinh Tuyết Nhung, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục QLTT Quảng Ninh) cho biết: Được giao phụ trách địa bàn trọng điểm là TP Hạ Long, từ nay đến cuối năm, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo bình ổn thị trường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi cũng như hàng không đảm bảo ATTP.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành Công Thương nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai mô hình chợ ATTP, đặt mục tiêu đến hết 2025 phải có ít nhất 13 chợ ATTP tại 13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Tất cả các chợ còn lại trên địa bàn cũng phải từng bước xây dựng và áp dụng các tiêu chí của chợ ATTP, hướng tới chợ ATTP trong thời gian tiếp theo.
Đối với ngành Y tế, nhất là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, tiếp tục triển khai mạnh công tác kiểm tra, giám sát, lấy mẫu chủ động tại các cơ sở bếp ăn, bếp ăn tập thể, bếp ăn trong các đơn vị khách sạn, nhà hàng, các khu công nghiệp… Công tác lấy mẫu, tập trung vào các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao, như: Thịt và sản phẩm thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, trứng và sản phẩm trứng, sữa và sản phẩm sữa…, gửi kiểm nghiệm đánh giá, phân tích các chỉ tiêu liên quan đến chất lượng thực phẩm và các yếu tố gây ngộ độc thực phẩm, để từ đó đề ra các giải pháp trong công tác quản lý về ATTP nhằm cảnh báo, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, nâng cao nhận thức trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm...
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, tính đến tháng 9/2024, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra hơn 12.708 lượt cơ sở, tăng hơn 7.962 lượt so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, đã kiểm tra đột xuất 458 vụ từ thông tin của người tiêu dùng thông qua các đường dây nóng, phát hiện, xử phạt 444 trường hợp vi phạm.
Thông qua công tác kiểm tra, các cơ quan chức năng toàn tỉnh đã phát hiện vi phạm và xử phạt 793 cơ sở (tăng 306 cơ sở so với cùng kỳ 2023), thu nộp ngân sách nhà nước gần 6 tỷ đồng, tịch thu tiêu huỷ trên 30 tấn thực phẩm không đảm bảo ATTP các loại; đồng thời thông tin công khai các tổ chức/cá nhân bị xử phạt trên các hạ tầng của Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh và các website của Sở Y tế, Chi cục ATTP tỉnh.
Toàn tỉnh 9 tháng, ghi nhận 4 vụ ngộ độc thực phẩm/41 người mắc; giảm 1 vụ, 3 người mắc so với cùng kỳ 2023. Trong đó, có 2 vụ, 1 trường hợp tử vong do ăn cá nóc, không xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể lớn và dịch bệnh truyền qua thực phẩm.
Trần Trang (t/h)