Ảnh minh họa
Không bảo đảm khách quan
Trước tiên, đó là vấn đề đấu thầu và “quyền khai thác” phương tiện. Theo quy định tại Điều 5 và Điều 12: Các DN đang kinh doanh vận tải sẽ phải nộp hồ sơ dự thầu về Sở GTVT để được tham gia đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn TP.
Ngoài ra, Mục 6, Điều 2 và Mục 3, Điều 8 quy định Quy chế đưa ra một khái niệm các DN taxi không thể hiểu được là “quyền khai thác”: Xe taxi sẽ được cấp “quyền khai thác” trong thời gian 8 năm. Sau khi hết thời gian trên, DN phải thay thế phương tiện mới và lại phải đấu thầu để mua “quyền khai thác” cho phương tiện; trường hợp thay xe trước thời hạn thì thời gian kinh doanh của xe mới chỉ được tính bằng “quyền khai thác” còn lại của phương tiện trước đó.
Đánh giá về vấn đề này, nhận thấy sai về mặt bản chất chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý địa phương và không đảm bảo tính khách quan, dễ nảy sinh tiêu cực.
Bởi lẽ, Sở GTVT đang là cơ quan quản lý, theo dự thảo quy chế đã trở thành bên giao thầu (Bên A) cung cấp dịch vụ vận tải khách bằng taxi để biến các DN vận tải trở thành đơn vị nhận thầu (các Bên B). Đồng thời, việc Sở GTVT vừa là cơ quan quản lý vừa là bên giao thầu sẽ không đảm bảo tính khách quan trong việc đấu thầu, dễ nảy sinh tiêu cực.
Trên thực tế đã có việc TP có chủ trương ngừng cấp phù hiệu taxi từ năm 2012, tại thời điểm đó, tổng số xe taxi đã được cấp phù hiệu Taxi Hanoi là 17.400 xe, nhưng đến tháng 6/2016, tổng số phù hiệu đã cấp là 19.141 chiếc (gia tăng 1.741 chiếc). Số gia tăng này được cấp cho đơn vị nào, căn cứ theo tiêu chuẩn và cách đấu thầu nào thì đến nay, các DN taxi vẫn chưa có bất cứ một thông tin công khai, minh bạch từ phía các cơ quan quản lý.
Về mục đích của việc đấu thầu “quyền khai thác”, Hiệp hội vận tải Hà Nội phân tích: Nếu nhằm để lựa chọn DN có năng lực thì điều này là không cần thiết. Vì thực tế hiện nay, các DN vẫn đang khai thác, kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng xe taxi, có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và đều được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải taxi, như vậy, có thể đánh giá các DN đều có đủ năng lực.
Về khía cạnh tăng thu cho ngân sách TP, việc đấu thầu có thể đem lại một phần kinh phí nhưng để thực hiện việc đấu thầu thì TP/Sở GTVT sẽ phải thành lập thêm bộ máy để thực hiện việc này, sẽ phát sinh thêm kinh phí hoạt động. Ngoài ra, DN trúng thầu lại tăng giá cước để bù đắp chi phí đấu thầu, cuối cùng, không ai khác người tiêu dùng lại phải gánh chịu.
Đánh giá dưới góc độ hoạt động kinh doanh vận tải của DN, việc thực hiện đấu thầu “quyền khai thác” vô hình chung đẩy DN vào thế bị động, tước đi quyền tự chủ kinh doanh, đầu tư thay thế phương tiện. Bên cạnh đó, đầu tư taxi với thời gian thu hồi vốn lâu dài (5-7 năm), do đó, rất cần sự ổn định trong chính sách của nhà nước để đầu tư, kinh doanh lâu dài.
Kiến nghị
Trong Công văn, Hiệp hội vận tải Hà Nội còn nêu lên một số bất cập trong quy định về ngừng hoạt động và thay thế phương tiện. Theo đó, Điều 13 quy định: Trong vòng 15 ngày kể từ ngày phương tiện ngừng hoạt động, DN phải thông báo và trả lại phù hiệu taxi. Nếu các DN không thay thế phương tiện trong thời gian 90 ngày sẽ bị thu hồi phù hiệu taxi của phương tiện đó để đem đấu thầu.
Có thể thấy, việc xác định thời gian phù hợp để thay thế phương tiện sẽ khuyến khích DN tích cực đổi mới để nâng cao chất lượng dịch vụ taxi. Tuy nhiên, việc đưa ra một thời hạn quá ngắn sẽ gây khó khăn cho DN, chưa phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho DN tại Nghị quyết 35.
Việc quy định thời hạn 90 ngày là không có cơ sở xác đáng. Theo nội dung Điều 23 Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì “Đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh không thời hạn khi không kinh doanh vận tải trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải trong thời gian 06 tháng liên tục”. Ở đây, phù hiệu taxi có thể hiểu là một loại giấy phép cấp cho phương tiện, do vậy, hoàn toàn có thể áp dụng theo quy định của Nghị định 86 vào trường hợp này.
Được biết, Bộ GTVT đang trình Chính phủ bản Nghị định 86 sửa đổi về điều kiện kinh doanh vận tải. Hiệp hội này cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội, Sở GTVT “chờ” Nghị định sửa đổi được ban hành để làm cơ sở xây dựng cho Quy chế này, tránh việc vừa ban hành đã không phù hợp với quy định của Nghị định mới.
Thái Bình