Điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, ngày 19/6/2024, Quốc hội đã thảo luận tại phiên họp Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đã có 107 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ảnh quochoi.vn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, ngoài những vấn đề đại biểu quan tâm, đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật; các quy định tại dự thảo Luật đã phù hợp với pháp luật chuyên ngành, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật? Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Nguồn tài chính và bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cũng như tính thống nhất và tính khả thi của các điều khoản Luật…

Mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội mời đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu thảo luận.

Bổ sung, làm rõ một số nội dung của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bày tỏ sự thống nhất cao với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Để hoàn thiện hơn dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân tham gia góp ý một số nội dung như sau:

Thứ nhất, liên quan đến các điều luật quy định về lực lượng dân phòng tại Điều 3, Điều 28, Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 50 của dự thảo Luật. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, rà soát lại tại các điều luật này và thay thế cụm từ “lực lượng dân phòng” thành “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự” và thay cụm từ “đội trưởng đội dân phòng” thành “tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh, trật tự”.

Thứ hai, về nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Điều 5, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị cần cân nhắc bổ sung thêm nguyên tắc thứ 6: Ứng dụng công nghệ thông tin trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để phù hợp với việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường tại Phiên họp chiều 27/6. Ảnh quochoi.vn.
Các đại biểu thảo luận ở hội trường tại Phiên họp chiều 27/6. Ảnh quochoi.vn.

Thứ ba, về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Điều 7, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Cuối cùng, về trách nhiệm cứu nạn, cứu hộ quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 38 dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể cơ quan, đơn vị hoặc người có thẩm quyền tiếp nhận thông tin báo sự cố, ghi nhận tin báo trực tiếp là ai?

Rà soát phạm vi điều chỉnh của dự án Luật 

Cơ bản thống nhất với Hồ sơ trình dự án Luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh góp ý về phạm vi điều chỉnh của Luật, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, làm rõ sự giao thoa về phạm vi điều chỉnh của Luật này với một số luật khác có liên quan.  

“Ví dụ như cùng giải thích từ ngữ về “sự cố” tại Điều 3, khoản 4 dự thảo Luật quy định, sự cố tai nạn là sự việc do khách quan hoặc chủ quan gây ra thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó tại khoản 2 Điều 2 của Luật Phòng thủ dân sự giải thích, sự cố là tình huống bất thường do thiên tai, dịch bệnh, con người, hậu quả chiến tranh gây ra hoặc đe dọa, gây ra thiệt hại về người, tài sản và môi trường”, đại biểu nêu dẫn chứng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết, phiên thảo luận tại Tổ có nhiều ĐBQH góp ý về nội dung này, đồng thời trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng có đề cập đến nội dung này. Đại biểu cho rằng, dự thảo hiện nay chưa thể hiện rõ sự khác nhau về đối tượng, phạm vi, tính chất, mức độ giữa Luật Phòng thủ dân sự và các luật khác cũng như dự thảo Luật này.. Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, làm rõ.

Về việc huy động lực lượng, phương tiện, tài sản tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 35 và Điều 36, đại biểu cho rằng, đây là nội dung liên quan đến quyền tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân nhưng quy định trong dự thảo Luật còn chung chung. Do đó, để có cơ sở triển khai quy định này và tránh phát sinh vướng mắc trong thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định về cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm việc bồi thường là cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ hay là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, UBND cấp huyện, nơi xảy ra cháy, sự cố, tai nạn hay là cơ quan chuyên môn nào khác? 

Ảnh internet.
Ảnh internet.

Đồng thời bổ sung quy định về quy trình, thủ tục thực hiện việc bồi thường; bổ sung quy định về nguyên tắc và phương án, xác định giá trị đối với các phương tiện giá trị bị tổn hao, nhà và công trình bị phá dỡ…; bổ sung quy định về nguồn kinh phí thực hiện việc bồi thường.

Quy định rõ về quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân. Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cơ bản tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để khắc phục những bất cập, hạn chế trong thời gian qua. Đại biểu cũng đánh giá Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo.

Đại biểu nhấn mạnh, thực tiễn về tình hình cháy nổ ngày càng diễn biến phức tạp, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, nhất là tại các thành phố lớn, nơi có các khu đô thị, chung cư mini tập trung, đông dân cư. Do đó Luật ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc kịp thời thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đối với quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật về quyền, trách nhiệm của người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ, đại biểu cho rằng, để đảm bảo quyền công dân, tính khả thi thì cần nghiên cứu bổ sung nội dung người có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia cứu nạn, cứu hộ trong trường hợp cần thiết; đồng thời bổ sung quy định các trường hợp được bồi thường, nguồn kinh phí bồi thường đối với các thiệt hại về tài sản do tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Tương tự như vậy, đối với quy định về huy động lực lượng tham gia chữa cháy tại Điều 25 của dự thảo Luật, đại biểu cũng đề nghị bổ sung rõ vào khoản 1, khoản 3 người có thẩm quyền huy động lực lượng này.

Cần làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, trước những vụ cháy, nổ liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Góp ý về một số nội dung cụ thể về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 17), đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. 

Do đó, đại biểu Mai đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.

PV (lược ghi)