10 tháng của năm 2022, theo số liệu của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt đạt 46,44% kế hoạch vốn và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là một số liệu mà chẳng ai muốn biết, trong khi hạ tầng cơ sở, thuốc chữa bệnh thiếu và xuống cấp; vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cực kỳ khó khăn về nhiều mặt. Nhiều địa phương, bộ, ngành trả lại vốn đầu tư công được giao hoặc xin điều chỉnh giảm. Vậy, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, bộ, ngành đó như thế nào? Vì sao trả lại trong khi thực tế thì rất cần mà lại không triển khai giải ngân, thực hiện?

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Quy trách nhiệm người đứng đầu thật quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng? Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Các ý kiến cho rằng, do cơ chế, do vướng từ chính sách nên "tiền đó mà không làm gì được". Suy nghĩ đó của người đứng đầu quả thật là thiếu trách nhiệm với nhân dân, với chính bản thân khi nhận trọng trách được Đảng và nhân dân giao phó. Đúng là có thiếu, có vướng, nhưng với cương vị là người đứng đầu, có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản thì phải tìm cách tháo gỡ chứ không thể cứ vướng là bỏ như thế được. 

Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trăn trở, mặc dù có rất nhiều giải pháp được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả. “Vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng vẫn là nguyên nhân muôn thuở gây ra việc chậm trễ trong giải ngân. Nhiều giải pháp cho vấn đề này đã được đưa ra, nhưng chẳng đi đến đâu. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên đưa ra giải pháp mang tính đột phá cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bằng việc ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư với mức cao, nhất là gấp 15 lần đối với đất ở và cao nhất gấp 35 lần đối với đất nông nghiệp so với bảng giá đất do Nhà nước ban hành. Giải pháp này được cho là rất thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên lại chưa được các địa phương khác làm theo.”

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thời gian thực hiện giải ngân không còn nhiều, nên không đề thêm các giải pháp nữa. “Việc quan trọng lúc này phải thực thi nghiêm túc và quyết liệt các giải pháp đã đề ra chứ không phải đề ra rồi để đấy hoặc làm nửa vời; đồng thời bổ sung thêm việc thúc đẩy thực hiện các giải pháp đã đặt ra bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư”, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.

Quy trách nhiệm người đứng đầu thật quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng? Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Quy trách nhiệm người đứng đầu thật quyết liệt, giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng? Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong trao đổi, để tạo sức bật cho công tác giải ngân vốn đầu tư công từ nay tới cuối năm, Chính phủ nên tiếp tục đưa ra một công lệnh cho tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát lại, chắt lọc lại dự án nào có tiến độ tốt để điều chỉnh vốn và hoàn thành dứt điểm. Đối với các dự án đang gặp vướng do thể chế hoặc không thể giải quyết vướng mắc trong ngày một ngày hai do các yếu tố khách quan có thể bóc tách ra và đưa vào kế hoạch dài hạn.

“Công tác thanh tra, kiểm tra trong việc sắp xếp, xếp hạng các dự án đầu tư cũng phải được đẩy mạnh và bắt lỗi luôn người đứng đầu đơn vị đó khi sắp xếp sai các dự án để mưu cầu lợi ích nhóm”,chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội phân tích: “Giải ngân tốt nguồn vốn đầu tư công sẽ tăng sức cầu, tăng thêm nguồn lực từ nguồn vốn của ngân sách vào trong nguồn nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh thị trường khó khăn. Tác động của đầu tư công sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi và lan tỏa các khu vực khác. Chúng ta có dư địa về mặt tài khóa, có tỷ lệ nợ công khá thấp nên hoàn toàn có nguồn lực để thực hiện đầu tư công”.

Ông Cường chia sẻ, thật  đáng tiếc vì nhiều vướng mắc đã cản trở tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Hầu hết các dự án chậm đều do công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt chính sách đền bù chưa thỏa đáng. Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Đất đai sửa đổi cũng có nội dung về phải giải quyết đền bù thỏa đáng.

Từ số liệu mà Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, các chuyên gia tài chính nhận xét: Có những tỉnh giải ngân vốn đầu tư công nhanh, nhưng cũng có địa phương triển khai rất chậm. Việc này có liên quan tới trách nhiệm của người đứng đầu của những đơn vị được giao vốn. Do vậy, phải quy trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt không chỉ dưới góc độ quản lý Nhà nước. “Nếu địa phương nào triển khai đầu tư công chậm, cần nghe tiếng nói của Hội đồng nhân dân, của người dân địa phương đó để đánh giá người có trách nhiệm xem đã hoàn thành trách nhiệm của mình chưa?”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hồ Chí Minh, chỉ ra kế hoạch triển khai gói đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2022 - 2025) là 2.870 nghìn tỷ đồng, cộng thêm gói tài khóa tiền tệ hơn 140 nghìn tỷ đồng vừa được thông qua (theo tinh thần Nghị quyết 43 của Quốc hội), như vậy khối lượng giải ngân nguồn vốn đầu tư công mỗi năm khoảng 600 nghìn tỷ đồng. “Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn này còn rất chậm, do đó cần phải tập trung triển khai trong thời gian tới", ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho biết.

Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)