EU trở thành đối tác thương mại hàng đầu, là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Tuy nhiên vị thế này đang đối diện với nhiều khó khăn khi EU đang ngày càng thắt chặt giám sát việc thực thi vấn đề chuyển đổi xanh, phát triển bền vững...
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), tình hình biến đổi khí hậu và yêu cầu của người tiêu dùng đang đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh các dự luật của EU. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều thách thức lớn buộc phải thích ứng.
Ông Lý Trung Kiên, Trưởng Bộ phận Logistic toàn quốc – Công ty Nesle Việt Nam chia sẻ, từ góc nhìn chung của ngành hàng cà phê và đồ uống, Hiệp định EVFTA đang tạo lợi thế giúp Việt Nam có thị phần ổn định tại thị trường EU.
Tuy nhiên, dự báo 02 - 03 năm tới, việc các dự luật mới được thông qua sẽ tác động trực tiếp đến ngành hàng nông sản, trong đó có cà phê. Theo ông Kiên, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng này ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm thì vấn đề sử dụng tài nguyên hiệu quả, bảo vệ môi trường cần được chú trọng.
Ông Lý Trung Kiên khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ Bộ tiêu chí hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang canh tác tái sinh, đồng thời phải vượt qua những rào cản này để tồn tại. "Đây sẽ là những câu chuyện để truyền tải cho người tiêu dùng hiểu được vấn đề đó và chấp nhận sản phẩm của mình. Khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu thì hàng Việt có thể xuất khẩu, giá trị của hàng hóa Việt Nam, giá trị của cà phê sẽ được nâng cao hơn", ông Kiên khuyến nghị.
Theo Bộ Công thương, sắp tới, ngoài ngành hàng chủ lực là dệt may, da giày..., những mặt hàng liên quan đến lâm sản - đồ gỗ của Việt Nam muốn tăng trưởng xuất khẩu cần phải đáp ứng các điều kiện, như: Giấy phép Thỏa thuận đối tác tự nguyện; Quản trị rừng và lâm nghiệp, các tiêu chuẩn: Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) và phát thải CO2…
Bà Đỗ Thị Thu Hương, Phó Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phân tích: Để tiếp tục tạo được sự khác biệt, lợi thế so sánh của hàng hóa Việt Nam thì phải chấp nhận theo tiêu chuẩn của thế giới. Đây là cách duy nhất để khẳng định năng lực, trách nhiệm của doanh nghiệp đối các vấn đề toàn cầu.
Bà Đỗ Thị Thu Hương nêu rõ: "Thời gian tới, Bộ Công Thương chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cùng Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng các chương trình hành động triển khai chiến lược xuất khẩu này. Hy vọng rằng có thể giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cách tiếp cận lâu dài để phát triển xuất khẩu bền vững".
Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Euro Cham) thông tin: EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới với kim ngạch nhập khẩu hàng năm khoảng hơn 5 ngàn tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này khoảng 40 tỷ USD/năm, còn rất khiêm tốn so với tiềm năng nhập khẩu của EU.